Nâng tầm mối quan hệ với nhà đầu tư lớn
(Nguồn: ĐTCK) TTCK càng khó khăn, càng cần DN làm tốt công tác quan hệ nhà đầu tư mới có thể giữ chân các dòng vốn, nhất là dòng vốn ngoại.
Khảo sát của Sở GDCK Hà Nội hồi tháng 8/2013 cho thấy, tại sàn này, có 27% DN niêm yết có bộ phận riêng lo quan hệ nhà đầu tư (IR). Tại sàn TP. HCM, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số DN có bộ phận IR riêng khoảng trên 50%, một số DN điển hình làm tốt công tác này như Tập đoàn Bảo Việt, PVDrilling, Dược Hậu Giang, Đạm Phú Mỹ, SSI… cũng chính là những DN nhận được sự quan tâm của nhiều dòng vốn lớn, nhất là dòng vốn nước ngoài.
Hãy để cổ đông là ông chủ
Lập một bộ phận chuyên trách phụ trách quan hệ cổ đông, quan hệ nhà đầu tư chưa phải là một quy định bắt buộc với các DN đại chúng/niêm yết trên TTCK Việt Nam, nhưng đây là điểm được Tổ chức OECD khuyến nghị các DN nên thực hiện như một hành động khẳng định cổ đông của DN được đối xử bình đẳng và DN đang thực hiện quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất.
Có bộ phận quan hệ nhà đầu tư, nhưng hoạt động một cách thụ động, thiếu sáng tạo, thiếu sự kết nối và đặc biệt là thiếu khả năng truyền đạt kịp thời những chuyển động lớn của DN hay thông điệp của Ban điều hành ra công chúng… là thực trạng tại rất nhiều DN hiện nay. Hệ quả của tình trạng này là DN không có cổ đông trung thành, không có cổ đông lớn, gắn kết chặt chẽ về dài hạn.
Những lúc kinh doanh thuận lợi, cổ phiếu của các DN có cổ đông phân tán, nhỏ lẻ thường được chọn cho xu hướng đầu tư kiểu “lướt sóng”, nhà đầu tư thích “ăn” theo chênh lệch giá từ các thông tin tích cực của DN, hoặc theo các tin đồn thổi, sau đó sẽ thoái cổ phiếu. Lúc kinh doanh khó khăn, DN loại này dễ trở nên “cô độc”, khó có thể tìm được sự ủng hộ của cổ đông để vững bước, bởi muốn có sự ủng hộ, trước hết DN phải xây dựng được niềm tin và sự trung thành của cổ đông, của các nhà đầu tư lớn – nhưng quá trình này nếu chưa được DN thực hiện thì không thể mong cổ đông luôn bên cạnh mình.
“Cổ đông là ông chủ” là điều mà OECD cũng như thông lệ quản trị công ty tốt nhất trên thế giới nhắc nhở tất cả các DN, nhất là DN đại chúng. Ngoài việc nỗ lực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, việc DN quan tâm, thực hiện tốt công tác IR là hành động cụ thể thể hiện trách nhiệm với cổ đông. Đó cũng là cách giúp DN gìn giữ và phát triển dòng vốn mới chảy vào DN.
Nâng tầm mối quan hệ với nhà đầu tư lớn
Ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM đánh giá, có nhiều cấp độ để làm IR và có thể làm với nhiều đối tượng, theo nhiều cách. TTCK càng khó khăn, càng cần DN làm tốt công tác này mới có thể giữ chân các dòng vốn, nhất là dòng vốn ngoại khi dòng vốn này luôn có nhiều cơ hội trên các thị trường khác.
“Các DN làm tốt hoạt động kinh doanh chưa đủ, công tác IR là mặt khác của vấn đề để DN được hiểu đúng và trả giá đúng trên thị trường”, ông Trà nói.
Là thành viên của HOSE, 5 năm liền kết hợp với Tập đoàn Daiwa tổ chức sự kiện kết nối các DN hàng đầu Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế, ông Trà cho biết, việc kết nối các nhu cầu thực là không đơn giản, bởi trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư. Dù vậy, theo ông Trà, HOSE sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội kết nối, để hỗ trợ DN Việt Nam quảng bá và tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ năm 2008, khi kinh tế toàn cầu suy thoái, TTCK Việt Nam rơi vào trạng thái suy giảm kéo dài, khiến vai trò giúp DN niêm yết huy động vốn từ công chúng của TTCK bị suy giảm mạnh. Trong khó khăn chung, nhiều DN lớn vẫn vững bước trong kinh doanh và huy động được lượng vốn lớn từ các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước. Vingroup, PV Drilling, FPT, Hoàng Anh Gia Lai… là những cái tên như vậy. Tuy nhiên, so với hơn 700 DN niêm yết tại Việt Nam, số DN tìm được nhà đầu tư lớn, thu hút được các dòng vốn mới là quá nhỏ bé.
Vậy làm thế nào để nhiều DN hơn, không chỉ DN lớn, mà những DN ở quy mô trung bình, cũng có thể hấp dẫn được dòng vốn mới? Ngoài nỗ lực tự thân của DN để “tỏa sáng”, tạo sức hấp dẫn nhà đầu tư lớn, còn cần sự hỗ trợ của nhà quản lý thị trường và đặc biệt là các tổ chức tài chính trung gian.
Nói về công tác IR trong nước, ông Trà nhắc lại kỷ niệm về một cuộc hội thảo do CTCK Mê Kông tổ chức, tại đó, Chủ tịch Dược Hậu Giang, bà Phạm Thị Việt Nga đã chia sẻ cách Công ty giữ quan hệ với cổ đông, khách hàng như một bức tranh sống động, thiết thực, khiến khán phòng như bừng tỉnh và nhiệt liệt hưởng ứng. “Phần thưởng” cho những nỗ lực của Dược Hậu Giang chính là vị thế của một DN dược hàng đầu, được nhiều tổ chức đầu tư lớn săn đón, tìm cơ hội để trở thành cổ đông của Công ty.
Đánh giá vai trò của các tổ chức kết nối, ông Trà nói: “Đáng tiếc là chưa có nhiều CTCK làm cầu nối DN với nhà đầu tư và thúc đẩy mối quan hệ này một cách thường xuyên, hữu hiệu”. Ông nhận định, trong giai đoạn khó khăn của TTCK, đương nhiên nội lực của CTCK Việt Nam cũng khó. Nhưng khó khăn chung của nền kinh tế chính là cơ hội để các tổ chức kết nối chuyên nghiệp như CTCK, ngân hàng đầu tư… đến gần hơn với DN, hỗ trợ DN kết nối và tìm nguồn vốn mới.
“Đây là cơ hội lớn với các CTCK Việt Nam, nếu không phát huy được, có thể chúng ta sẽ phải nhường sân cho CTCK nước ngoài”, ông Trà nhận định.
Tường Vi