Kỹ sư trẻ trách nhiệm và cầu tiến
Petrotimes.vn| 06/11/2020
Tròn 8 năm gắn bó với Nhà máy Đạm Phú Mỹ, kỹ sư Nguyễn Văn Diệu luôn dành tâm huyết, nghiên cứu và thực hiện nhiều sáng kiến, cải tiến hiệu quả trong công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tôi gặp gỡ kỹ sư Nguyễn Văn Diệu tại buổi lễ trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI năm 2020. Nguyễn Văn Diệu hiện là kỹ sư cơ khí, thuộc Ban Kỹ thuật và An toàn của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo). Công việc chính của anh là theo dõi, xử lý các thiết bị quan trọng để nhà máy vận hành liên tục, quản lý các bộ định mức vật tư, giám sát bảo dưỡng và điều tra sự cố hư hỏng.
Kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Diệu tại nhà máy Đạm Phú Mỹ
Nguyễn Văn Diệu (sinh năm 1985) sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP HCM, Diệu làm việc tại Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố – Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS). Từ giữa năm 2012, Diệu chuyển công tác tới PVFCCo. Với ý thức trách nhiệm cao, tinh thần cầu tiến của tuổi trẻ, Nguyễn Văn Diệu đã vừa làm việc, vừa miệt mài học tập. Hiện nay, anh tự hào đứng trong hàng ngũ “tuổi trẻ dầu khí”, một tập thể “bản lĩnh, tiên phong, đoàn kết và sáng tạo”.
Xác định rõ điểm mạnh của mình là ở mảng chế tạo và lắp đặt, đặc biệt là đam mê robot, Diệu đã nghiên cứu nhiều sáng kiến, cải tiến áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như năm 2014, sáng kiến “Khắc phục lỗi thường xuyên gãy trục tại vị trí đầu ren và có tiếng kêu tại mechanical seal của bơm 10-P-7004AB”, giá trị làm lợi hơn 200 triệu đồng, khắc phục được tình trạng bơm bị hư hỏng lặp lại nhiều lần kéo dài trong 5 năm liên tục mà không tìm được nguyên nhân. Sau nhiều lần kiểm tra tình trạng bơm khi làm việc và nghiên cứu bản vẽ chi tiết của bơm, Diệu phát hiện được nguyên nhân do lỗi thiết kế và lỗi lắp đặt bơm từ thời điểm ban đầu của dự án. Diệu đã thử lắp thêm cánh votex breaker tại cửa hút bơm và điều chỉnh kích thước của chi tiết orifice hệ thống mechanical seal. Sau khi áp dụng hơn 1 năm, tình trạng bơm không còn tiếng ồn và không còn hư hỏng trục như lúc trước.
Với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của máy móc thiết bị sau nhiều năm đưa vào sử dụng, Diệu luôn tâm niệm “phải hành động, phải hành động”, vì thế năm 2015, anh mạnh dạn báo cáo sáng kiến “Phục hồi các cánh quạt làm mát cooling tower” – gia công sửa chữa cánh quạt của cụm cooling tower bị hư hỏng do sử dụng lâu ngày làm giảm chi phí trong bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, giá trị làm lợi ước tính trên 2 tỉ đồng. Diệu cho biết, các cánh quạt sau 10 năm sử dụng bắt đầu hư hỏng nhiều. Cánh quạt làm bằng vật liệu composite đặc biệt nên phải mua từ nước ngoài, chi phí mua mới rất cao. Để giảm chi phí mua mới, phương án đưa ra là sửa chữa lại cánh quạt như ban đầu và bảo đảm vận hành bình thường. Vì vậy, yêu cầu nghiêm ngặt là cánh quạt sau khi sửa chữa phải có biên dạng như ban đầu, được tính toán trọng tâm đồng đều và bảo đảm cân bằng động để khi làm việc quạt không bị rung động. Từ khi đưa sáng kiến này vào áp dụng thực tiễn, đến nay, 10 bộ cánh quạt vẫn đang hoạt động rất ổn định.
Kỹ sư Nguyễn Văn Diệu được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI năm 2020
Rotor là một bộ phận quan trọng trong thiết bị máy nén và bơm hoạt động theo nguyên lý ly tâm. Tại các nhà máy trong ngành Dầu khí, thiết bị máy nén bơm rất quan trọng, phải dự phòng rotor để thay thế trong trường hợp hư hỏng đột xuất. Vì thế, với yêu cầu bảo đảm các rotor dự phòng được bảo quản trong tình trạng tốt nhất, sẵn sàng thay thế khi cần, Diệu đã bắt tay vào thiết kế, chế tạo và lắp đặt thùng chứa rotor dạng trụ đứng tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Sáng kiến hữu ích a này cũng được ứng dụng vào thực tế từ năm 2015 đến nay.
Nguyễn Văn Diệu cho biết, là kỹ sư phụ trách về thiết bị cơ khí ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ, việc bảo đảm cho thiết bị được vận hành an toàn liên tục là điều tối quan trọng, luôn đặt lên hàng đầu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều kiện cần của các kỹ sư là tự bản thân đúc rút kinh nghiệm ngay trong quá trình thực hiện công việc tại nhà máy; điều kiện đủ là tự nghiên cứu học hỏi từ các tài liệu chuẩn nước ngoài rồi chia sẻ kiến thức, bài học mình có cho đồng nghiệp, cho nhân sự mới để tạo thành một tập thể thống nhất, sử dụng thế mạnh của từng thành viên, lắng nghe ý kiến đóng góp từ mọi người.
Diệu nói rằng, bản thân anh rất vui xen lẫn tự hào và còn cảm thấy thật hạnh phúc khi mỗi ngày nhìn thấy sáng kiến của mình được sử dụng. Nghiên cứu được các sáng kiến, giải pháp và cải tiến được máy móc thiết bị là điều quan trọng, nhưng để đạt được thành quả đó không phải chỉ có sự nỗ lực của bản thân mà là trí tuệ, công sức của cả một tập thể đoàn kết, là sự quan tâm và tin tưởng của các cấp lãnh đạo. Với phương châm “không cần nhanh, miễn đừng dừng lại”, mỗi ngày qua đi, người kỹ sư ấy luôn tự tạo năng lượng cho chính mình và cho đồng nghiệp. Nguyễn Văn Diệu đã và đang xem doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai, là nơi gắn kết tình đồng nghiệp, nơi hạt mơ ước được ươm mầm và nở hoa.
Thu Phượng