Hội thảo Tổng kết mô hình trình diễn sử dụng phân đạm hạt đục trên cây lúa vụ đông xuân tại Bạc Liêu
Sáng 29/2/2012,thực hiện việc chuẩn bị thị trường cho sản phẩm Đạm Cà Mau, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ phối hợp với chi cục BVTV tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo Tổng kết mô hình trình diễn sử dụng phân đạm hạt đục trên cây lúa vụ đông xuân tại huyện Hòa Bình – Bạc Liêu.
Tham dự hội thảo có ông Lê Hữu An – Phó Giám đốc TT Khuyến Nông, bà Hồng Kim Thư Phó Giám đốc chi cục BVTV, các ông/bà đại diện cho sở NN&PTNT, các trạm khuyến nông, trạm BVTV, hội nông dân, cơ quan truyền thông báo, đài truyền hình tỉnh cùng hơn 100 đại lý, bà con địa phương tới tham dự.
Tham dự hội thảo, bà con được hướng dẫn quy trình kỹ thuật sử dụng đạm hạt đục, giới thiệu về nhà máy đạm Cà mau, được giải đáp những câu hỏi liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp, đạm Cà Mau bán ở đâu, cách phân biệt đạm thật, đạm giả…
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hữu An – Phó Giám đốc TT- Khuyến nông khẳng định “Sản lượng của nhà máy đạm Cà Mau cùng với nhà máy đạm Phú Mỹ không những đã đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng phân đạm của các tỉnh trong khu vực còn xuất khẩu. Đây là thông tin rất mừng cho ngành nông nghiệp nói chung và bà con tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Nhà máy đạm Cà Mau lại được xây dựng trong khu vực ĐBSCL Cửu Long sát với tỉnh Bạc Liêu, thuận tiện cho việc vận chuyển và cung ứng kịp thời cho nhu cầu của bà con, giảm được cước vận chuyển, giảm được giá bán”.
“Ruộng trình diễn là mô hình thí điểm sử dụng đạm hạt đục cho kết quả rất tốt, năng suất rất cao, hạt lúa căng hơn, bông lúa dài hơn. Tôi đánh giá, khi thu hoạch năng suất mô hình sử dụng đạm hạt đục có phần vượt hơn so với ruộng đối chứng sử dụng đạm Trung Quốc. Như vậy, với chức năng là cơ quan khuyến nông, tôi khuyến cáo bà con sử dụng đạm hạt đục của nhà máy đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ để thay thế việc sử dụng phân đạm nhập khẩu. Ngoài ra, tôi đề nghị công ty sản xuất bán cho nông dân có giá hạ hơn so với đạm nhập khẩu và giữ ổn định cho bà con yên tâm sản xuất. Đồng thời đề nghị công ty triển khai, thực hiện thêm nhiều mô hình, nhiêu hội thảo ở các vùng đất khác nhau, các vụ khác nhau để bà con được tai nghe, mắt thấy, hình thức này rất thực tiễn và đem lại nhiều hiệu quả”. Ông Lê Hữu An nói thêm.
Được biết, điểm thực nghiệm được làm trên diện tích 2 ha của hộ nông dân Lâm Việt Nhi và được chia làm hai mô hình: 1 ha mô hình sử dụng phân bón hạt đục, 1 ha đối chứng sử dụng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc. Cả hai bên cùng sử dụng một giống lúa, liều lượng phân bón, kỹ thuật canh tác và thời gian xuống giống chăm sóc như nhau.
Kết quả cho thấy các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của cây lúa trên mô hình sử dụng đạm hạt đục và sử dụng đạm Trung Quốc có các chỉ tiêu sinh trưởng (chiều cao cây, số cây/m2, số bông/m2, số hạt chắc trên/bông) và các chỉ tiêu theo dõi sâu bệnh hại là tương đương nhau; năng suất kỹ thuật của cả hai mô hình đạt khoảng 8 tấn/ha. Tuy nhiên, sau khi đi thăm mô hình, bà con nông dân về đều cho rằng bông lúa của mô hình sử dụng hạt đục chắc hơn, hạt thóc sáng màu hơn.
Dướiđây là một số hình ảnh tại các sự kiện: