logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Hành trình đến Trường Sa – hành trình của cảm xúc

 

Có lẽ một đời chỉ được một lần thôi

Ngắm Tổ quốc thật rạng ngời từ biển

Những ký ức Trường Sa – ngày em đến

Bình dị thôi mà rất đỗi linh thiêng

Trong mỗi người neo giữ những niềm riêng

Duy nhất tình yêu chung khắc tên Tổ quốc

Hành trình về Trường Sa giữa hồn sóng nước

Nghe tiếng non sông vọng suốt một đời mình…

 

(Tác giả: D10-HQ571)

 

INTRO: Đối với chúng tôi, hành trình về Trường Sa có lẽ chỉ có một lần trong đời nhưng hành trình của cảm xúc thì cứ mãi neo giữ trong tim như ngọn lửa âm ỉ cháy suốt cuộc đời. Chúng tôi hứa sẽ sống, sẽ giữ và sẽ truyền ngọn lửa ấy để những người dù chưa được đến với Trường Sa sẽ cảm nhận được một Trường Sa thật gần gũi và mến thương.

 

Hành trình “Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo”

Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc gắn liền với những câu chuyện về sự can trường, gan dạ cùng những khó khăn gian khổ của quân và dân nơi đây, vì thế mà được lựa chọn để tham gia hành trình đến với Trường Sa là niềm mơ ước, là mục tiêu phấn đấu của chúng tôi, 35 thành viên đại diện cho gần 50.000 CBCNV của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

06h30 ngày 30-05-2012, giờ khởi hành đã điểm. Gần 200 gương mặt từ mọi miền đất nước hội tụ về điểm xuất phát – cảng Cát Lái trong tâm trạng náo nức, vinh dự và tự hào “nối vòng tay lớn” cho một chuyến đi lịch sử của đời người: Hành trình đến Trường Sa và nhà giàn DK1!

Mang theo hành trang là những món quà được chuẩn bị kỹ lưỡng, đong đầy tình cảm của đất liền gửi gắm đến những chiến sĩ hải quân can trường ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc cùng kỳ vọng chuyến đi cuối trong năm thật thành công, chúng tôi hồi hộp bước lên con tàu HQ571, lưu luyến tạm biệt “rừng tay, rừng người” đưa tiễn để bắt đầu hành trình 1.200 hải lý dài 12 ngày đêm…

 

Đại gia đình HQ571

 

Ấn tượng đặc biệt đầu tiên của hầu hết chúng tôi là con tàu HQ571, tàu khách hải quân mới, hiện đại, bố trí rất khoa học, như một khách sạn nổi, cùng vị Thuyền trưởng, thiếu tá Nguyễn Văn Sửu. Khác với tưởng tượng của nhiều người, thuyền trưởng sẽ phải là người luống tuổi với bộ quân phục nhiều “sao”, anh Sửu có vẻ đẹp phong trần, trẻ trung, rắn chắc. Anh sinh năm 1971 ở vùng quê biển Quỳnh Lưu – Nghệ An, trưởng thành từ Học viện Hải quân Nha Trang và đã đảm nhận trọng trách thuyền trưởng từ năm 2000. Anh Sửu có giọng nói nghiêm nghị, dứt khoát khi thông báo hải trình, hướng dẫn các công việc cần thiết về chuyến đi trên loa nhưng khi trò chuyện cùng chúng tôi, giọng nói của anh lại rất đầm ấm, hoà đồng và đặc biệt khi anh cười, khuôn mặt bừng sáng vẻ thân thiện, gần gũi.

 

Sự ngạc nhiên tiếp đến là đội ngũ gồm hơn 40 cán bộ, thủy thủ của HQ571. Đã được đi nhiều nơi, kể cả những quốc gia phát triển, nhưng chúng tôi chưa thấy có đội ngũ nào thân thiện, tâm lý và phục vụ tốt đến như vậy. Các anh đặc biệt luôn quan tâm đến những nữ nhi lần đầu tiên đi biển, từ việc xách vali đến tận phòng, ưu ái tìm cho chúng tôi những đôi dép rọ cỡ nhỏ cho vừa bàn chân phái nữ, chỉ cho chúng tôi cách ngồi dọc thân tàu và dán cho chúng tôi miếng cao dán chống say, tận tình đem đến từng phòng một ngày bốn bữa đầy đủ cơm, canh, rau, cá, thịt, tráng miệng, nhanh chóng nấu riêng nồi cháo đậu xanh thơm phức cho những người chẳng may say sóng…Hầu hết thời gian trong ngày chúng tôi đều thấy các anh làm việc với cường độ thật đáng nể, mỗi người chỉ ngủ có hơn 2h/ngày, dù cặp mắt có thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng nụ cười luôn nở trên môi! Cũng vì thế mà chúng tôi cũng như khá nhiều bạn nữ khác trên tàu, khi không say sóng hoặc không phải tham gia theo đoàn, đều tranh thủ đến khu nhà bếp phụ giúp các anh nhặt rau, nấu ăn, rửa chén và rôm rả hàn huyên những câu chuyện không đầu không cuối…

Gần 200 thành viên đoàn hành trình được “biên chế” thành 7 Trung đội với đầy đủ cơ cấu : Thủ trưởng Đoàn, Trung đội trưởng, Trung đội phó, Trợ lý Hậu cần, Trợ lý hoạt động…Phút lạ lẫm ban đầu đi qua rất nhanh, để rồi những bữa cơm, những buổi giao lưu, những món quà âm nhạc, những buổi chiều biển bình yên đón hoàng hôn xuống, những tiếng gọi nhau cùng xem đàn cá heo quẫy dọc mạn tàu, những giờ phút cùng lắng nghe thông tin phát thanh về những hòn đảo thân yêu của Tổ quốc, những bàn tay dịu dàng chăm sóc nhau khi say sóng, những buổi tập cho chương trình văn nghệ giao lưu trên đảo, những nụ cười và tiếng hát rộn khắp cả boong tàu…đã nhanh chóng gắn kết tất cả thành một đại gia đình HQ571.

 

Thân thương các hòn đảo, nhà giàn và các chiến sĩ hải quân

Trước chuyến đi, chúng tôi được thông báo lịch trình đến thăm 10 điểm đảo và nhà giàn DK1. Tuy nhiên, không phải ai cũng được đi hết cả 10 điểm đảo vì điều kiện thời tiết, sức khoẻ và việc đi lại cực kỳ khó khăn, nguy hiểm khi có đến 1 tuần biển động vì gặp bão. Do đó, có những đảo chỉ có thể bố trí 40-50 người được vào thăm, số còn lại phải ở lại trên tàu và luân phiên chờ lượt mình được vào đảo khác.

Điểm đảo đầu tiên chúng tôi được đến thăm là Đá Lát. Tất cả chúng tôi đều nôn nóng, mường tượng về một hòn đảo, lại là đảo chìm, sẽ hiện ra như thế nào. Xuống xuồng, đi được khoảng 10 phút, thấy mọi người cùng chỉ về một điểm xa xa, đến gần hơn nữa, toàn đảo hiện ra như lô cốt chắc chắn, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, anh chiến sỹ hải quân nghiêm trang bồng súng tại bia chủ quyền ngay chính diện lối xuồng cập mạn…Ôi, xúc động biết bao, tất cả những hình ảnh mà trước đến giờ chúng tôi chỉ biết qua sách báo và phim ảnh đang hiển hiện trước mắt, thật rõ nét và hào hùng!

Điểm dừng chân tiếp theo là Trường Sa lớn. Đây là đảo lớn nhất, là “Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, một thị trấn, xanh tươi, trù phú, có quảng trường, chùa, Nhà tưởng niệm, Hội trường, các hộ gia đình và trẻ em nữa. Đặc biệt xúc động là nghi lễ chào cờ và tiếng hát quốc ca hào hùng cất vang giữa trưa nắng gay gắt trên quảng trường của đảo; những nén nhang và những giọt nước mắt xúc động tại Đài liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ; viên gạch tại Chùa Trường Sa mòn nhẵn không phải chỉ vì thời gian mà còn vì những cái cúi đầu thành kính, thấm đẫm tâm nguyện cho chủ quyền biển đảo và bình yên của Tổ quốc. Chúng tôi lưu tại Trường Sa lớn lâu nhất, từ chiều đến tận 10h đêm, do đó, cả đoàn được cùng ăn một bữa cơm trên đảo và hòa mình trong buổi giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân, đất liền và biển đảo. Xen vào lẫn những lời ca tiếng hát là món quà đặc biệt từ những người lính đảo, đó là những bông hoa hồng làm bằng ốc rất đẹp. Anh lính trẻ tên Phát sinh năm 1991 tâm sự với chúng tôi rằng, ngoài giờ trực ban và công việc, anh đều ngồi làm hoa bằng vỏ ốc để nếu có dịp, được tận tay tặng hoa gửi hoa về cho gia đình và bạn bè trong đất liền. Kết thúc chương trình văn nghệ, chúng tôi chia tay các anh trong nụ cười và nước mắt…

Rồi đến đảo Đá Đông, vì khoảng cách từ tàu đến đảo quá xa, chiếc xuồng nhỏ không đủ nhiên liệu nên bị tắt máy giữa biển, thế là cả xuồng lênh đênh tự do trên biển gần 30 phút đợi xuồng khác tiếp tế nhiên liệu. Nhưng khi đó, tất cả mọi người không ai run sợ, vì qua mấy ngày trên con tàu đạp sóng bão, tuân theo nề nếp sinh hoạt của người chiến sĩ hải quân, được truyền tinh thần và ý chí từ những anh thủy thủ, anh chiến sĩ dạn dàn sương gió và hết sức dũng cảm…tất cả đã thổi vào chúng tôi một luồng khí mới, đã rèn chúng tôi thành những con người mới – đoàn kết hơn, mạnh mẽ hơn, can trường hơn. Khi đó, không ai bảo ai, mọi người cùng nắm tay và cất vang “Khúc quân ca Trường Sa” và trong phút chốc, chúng tôi cảm thấy cái chết thật tầm thường….

Khi tàu đến khu vực đảo Phan Vinh, biển động cấp 6, điều kiện di chuyển vào đảo cực kỳ nguy hiểm, chúng tôi nhớ cảm giác khi chiếc xuồng nhỏ xé gió, vượt sóng giữa biển cả bao la, cái xuồng lớn là thế mà giờ chỉ như một cái lá tre trên biển. Nhớ giọng nói gấp gáp của thuyền trưởng qua bộ đàm: “có con giông lớn đang ở phía sau, mọi người chạy nhanh lên nhé”. Chúng tôi cũng nhớ cái vị mặn chát của nước biển khi từng đợt sóng tạt vào mặt đau điếng như thách thức lòng quyết tâm, bản lĩnh và lòng yêu nước. Chính cơn giông bão ấy, sóng gió ấy, vị mặn mòi ấy đã làm cho buổi Lễ kết nghĩa giữa Liên chi đoàn thanh niên Đảo Phan Vinh và Đoàn Thanh niên PVFCCo có ý nghĩa và xúc động hơn bao giờ hết!

Sau buổi Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam và nhà giàn DK1 mà ai cũng xúc động nghẹn ngào, chúng tôi đến với điểm cuối cuộc hành trình – nhà giàn DK1. Khác với đảo, nhà giàn là công trình kỹ thuật trên biển, các anh lính đảo thường trẻ măng, còn các anh ở nhà giàn đều ở độ tuổi 30-40, hầu hết là sỹ quan dày dạn kinh nghiệm và gắn bó cả đời trên biển. Hôm vào nhà giàn DK1/20, nhà giàn xa và gian khổ nhất, chúng tôi không thể tưởng tượng vì sao lại leo lên được nhà giàn vì sóng rất to lên đến mấy mét, đánh vỡ cả mạn xuồng. Khó khăn lắm xuồng mới cập được vào chân nhà giàn, sau đó, phải leo lên hơn 30 bậc thang dựng đứng, cảm giác thật khủng khiếp vì chỉ sơ sẩy một chút là rơi xuống biển hoặc bị nghiến vào giữa mạn xuồng và cột thép chân nhà giàn. Không thể kể hết sự gian khổ của cuộc sống ở nhà giàn, giữa biển, giữa sóng, giữa trời mây, chỉ một căn nhà nhỏ bốn tầng, không chỉ bốn bề là biển cả mênh mông mà nhìn xuống dưới, đan qua mấy tầng sàn ô mắt lưới cũng thăm thẳm một màu biển sâu. Đã dặn lòng không được khóc nhưng khi gặp các anh, gương mặt sậm đen, mái tóc điểm sương, làn da khô ráp, ánh mắt man mác như chứa đựng những giọt nước biển khơi, rồi bất cứ nền gạch nào ở nhà giàn cũng được lau chùi sạch bong để thành bể hứng nước ngọt chờ cơn mưa đang tới, rồi tô canh rau muống cho bữa trưa của các anh có cả gốc, cả lá già, lá úa vì tất cả đều được giữ lại để có chất rau, rồi câu chuyện và chặng đời gần 20 năm trường gắn mình trên khắp các nhà giàn của Trung tá Đàm Quang Duẩn….làm chúng tôi không thể kiềm lòng!

Hành trình qua gần mười hòn đảo và nhà giàn, chúng tôi không thể nào quên những gương mặt ấy, những làn da sạm đen màu nắng, những mái tóc nhuộm màu sóng biển, những vóc dáng rắn rỏi bồng súng canh giữ biển trời, những tinh thần kiên định, sắt đá trước mọi gian khổ, hiểm nguy nhưng cũng thật mềm lòng khi nhắc đến hậu phương. Họ giấu nỗi nhớ nhà, họ kìm nén cảm xúc riêng tư vào tận đáy lòng để dồn tất cả vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa linh thiêng của Tổ quốc, để giữ mãi màu xanh cho từng luống rau, cho từng cây bàng, cho từng nụ hoa phong ba, cho sức sống bền bỉ, mãnh liệt của những hòn đảo chìm, đảo nổi. 

Trường Sa trong tim

Lúc khởi đầu, chúng tôi nôn nóng đong đếm cuộc hành trình bằng hải lý, bằng thời gian, bằng bữa sớm bữa chiều nhưng khi kết thúc, con tàu cập lại cảng Cát Lái, chỉ còn lại những xúc cảm khôn nguôi, những âm thanh vi vu thổi tình cảm của Trường Sa về đất liền qua cành hoa ốc, những gương mặt và nụ cười rạng rỡ, những dáng đứng hiên ngang tạc vào hình Tổ quốc…Chúng tôi tâm niệm hành trình về Trường Sa lần này là hành trình chúng tôi được trải nghiệm và lớn lên bởi chúng tôi biết khi kết thúc hành trình này, quay trở về với cuộc sống thường nhật trên đất liền thì mỗi người đã khắc ghi một Trường Sa trong tim, một Trường Sa thật anh hùng mà rất đỗi thân thương, bình dị; đã đo được chiều sâu của tình yêu linh thiêng mang tên Tổ quốc không phải chỉ qua sử sách và những câu chuyện kể mà chính từ những con người can trường bằng xương bằng thịt nơi đầu sóng ngọn gió; đã cảm được sức sống mãnh liệt và tương lai tươi sáng của dân tộc, của đất nước chính từ những nền san hô, rẻo đất, những cây bàng vuông khỏe khoắn, những nụ hoa phong ba tươi nở mãi ở quần đảo Trường Sa thân thương ấy!