logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Giữ “vùng xanh” Nhà máy

Petrotimes.vn | 15/08/2021

Việc giữ được “vùng xanh” ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Cà Mau trong giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt đối với nông nghiệp, an ninh lương thực nước nhà.

Nhiều nhà máy, xí nghiệp trên cả nước, đặc biệt là phía Nam đang sản xuất trong điều kiện vô cùng đặc biệt theo phương châm “3 tại chỗ” – làm việc, ăn, nghỉ tại chỗ với rất nhiều mối lo. Mặc dù đã triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, nhưng rủi ro vẫn luôn rình rập, đe dọa đến sức khỏe người lao động, đến công tác vận hành sản xuất; cộng với đó là những lo lắng về công tác xuất nhập hàng, công tác vận chuyển, thị trường tiêu thụ,… vốn đang bị dịch bệnh làm cho trì trệ.

Trong tất cả những mối lo đó, việc phải làm sao đảm bảo an toàn, sức khỏe, đảm bảo điều kiện vật chất và tinh thần cho người lao động vẫn là quan trọng nhất. Các đơn vị đang nỗ lực tối đa để giữ cho được “vùng xanh” nhà máy bằng cách siết phòng dịch ở tất cả các khâu với mục tiêu tối thượng là giữ cho CBCNV – NLĐ được an toàn giữa đại dịch.

Nghiêm túc thực hiện 5k trong nhà máy

Điển hình như tại hai nhà máy phân bón lớn nhất phía Nam là Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – PVFCCo), Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau – PVCFC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) suốt mấy tháng qua đã giữ vững thành trì chống dịch, đảm bảo vận hành sản xuất liên tục.

Để có được kết quả này, các nhà máy đã thực hiện nghiêm ngặt phương châm “3 tại chỗ”, cách ly phòng dịch ngay từ những ngày đầu dịch chớm có dấu hiệu bùng phát trở lại, kèm với đó là quy trình kiểm soát dịch bệnh qua “nhiều vòng, nhiều lớp” để đảm bảo không bỏ sót bất cứ một mối nguy nào. Nhiều bộ phận được chuyển sang hình thức làm việc online… Công tác giao nhận hàng hóa được tiến hành với yêu cầu quy tắc 5K cao nhất.

“3 tại chỗ” nhưng không xuề xòa, hình thức theo kiểu tập trung người lao động ở lại trong nhà máy là xong, mà phải luôn đảm bảo các quy tắc phòng chống dịch cao nhất. Đó là vẫn luôn tuân thủ 5K, bố trí chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt đảm bảo an toàn, giãn cách. Đặc biệt là chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, những nhu yếu phẩm cần thiết, các tiện nghi, thể thao nâng cao sức khỏe, tinh thần được đặt lên hàng đầu.

Không chỉ có lãnh đạo nhà máy mà ngay cả lãnh đạo đơn vị cũng "trực chiến" tại nhà máy, kề vai sát cánh cùng anh em trong những ngày công tác đặc biệt này. Bởi họ biết rằng, có như vậy mới kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo nhanh nhất, kịp thời nhất; chỉ có như vậy mới có thể thấu hiểu để kịp thời chia sẻ, đáp ứng, động viên CBCNV đang căng mình giữ “vùng xanh” nhà máy.

Có thể nói, giữ được “vùng xanh” ở hai nhà máy phân bón trong giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt đối với nông nghiệp, an ninh lương thực nước nhà. Như chúng ta biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá phân bón thế giới tăng “chóng mặt”, rồi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng khiến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân gặp không ít khó khăn.

Trong bối cảnh đó, việc hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau vận hành sản xuất an toàn, liên tục và hiệu quả đã góp phần kìm hãm đà tăng phi mã của giá phân bón; quan trọng hơn là đã kịp thời cung ứng đầy đủ nhu cầu phân bón của bà con trên cả nước vào thời điểm chính vụ.

Thành công trong SXKD 6 tháng đầu năm của hai nhà máy cũng đã góp phần tích cực cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tạo “vùng xanh” tăng trưởng, giữ được vị thế cạnh tranh đối với các nước trong khu vực giai đoạn hậu Covid-19.

Người lao động được test Covid để kiểm soát lây nhiễm

Song, thành trì chống dịch tại nhà máy chỉ có thể được giữ vững về lâu dài khi người lao động tại nhà máy sớm được tiêm vắc-xin. Đây là ưu tiên số 1 để phòng ngừa dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn, hoạt động SXKD thông suốt.

Còn hiện tại, các nhà máy vẫn phải nỗ lực đảm bảo “mục tiêu kép” vừa đảm bảo sản xuất liên tục, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Tất cả không phải chỉ vì lợi nhuận, mà còn là vì trách nhiệm với hàng ngàn người lao động, với bà con nông dân, với ruộng đồng đang mùa vụ.

Lê Trúc