Giá phân bón đang giảm
Hồi đầu vụ hè – thu 2012, phân ure có giá bán là 535.000đ/bao chung cho cả 2 loại ure Trung Quốc và Đạm Phú Mỹ (ĐPM) đã được cho là rất cao, nên các cửa hàng vật tư nông nghiệp lẫn người nông dân chưa đẩy mạnh mua vào, và có tâm lý chờ giá phân sụt. Tuy nhiên, giá phân ure không giảm mà còn tăng mạnh, chỉ sau thời gian ngắn giá phân đạm đã đạt đỉnh 570.000 đ/bao. Đây là đợt tăng giá nhanh và mạnh nhất trên thị trường phân bón. Sau khi tăng kịch trần và yên vị với giá 570.000 đ/bao (bằng 11.400đ/kg) trong nhiều tuần trước đó, thì từ hôm 8/5 thị trường phân bón ghi nhận có sự giảm nhẹ của ure Trung Quốc.
Theo báo cáo Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật các tỉnh phía Nam, đến ngày 4/5/2012 vụ lúa hè – thu 2012 đã xuống giống được 1.029.645 ha. Trong đó, khu vực ĐBSCL đã xuống giống được 985.949 ha; vùng Đông Nam Bộ là 43.651 ha. Hiện nay, trà lúa hè – thu 2012 đang ở các giai đoạn sinh trưởng như sau: mạ là 345.887 ha; đẻ nhánh: 438.202 ha; đòng trổ: 159.785 ha; chín: 33.652 ha và đã thu hoạch được 52.119 ha. Qua các giai đoạn sinh trưởng như trên cho thấy nhu cầu phân bón cho lúa hè – thu đang ở mức rất cao.
Giá phân ure giảm nhưng lực mua vẫn yếu
Trong báo cáo tháng 4/2012 của Bộ NN&PTNT, cho biết lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 4 ước đạt 330.000 tấn. Trong đó, ure 70 ngàn tấn, DAP 32 ngàn tấn, NPK 20 ngàn tấn. Tính đến hết tháng 4, cả nước nhập khẩu khoảng 938.000 tấn, với trị giá nhập khẩu là 401 triệu đô la Mỹ, giảm 27,3% về khối lượng và giảm 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, giá phân bón nhập khẩu lại tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá ure TQ tại khu vực ĐBSCL đang được các cửa hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) bán ra với giá 560.000 đ/bao (11.200đ/kg), ĐPM vẫn giữ ở mức giá 11.400đ/kg. Riêng các loại phân chuyên dùng thì vẫn giữ giá như hồi vụ đông – xuân. Mặc dù giá phân ure TQ đã giảm nhưng sức mua vẫn không tăng, phần lớn các đại lý cấp II và người nông dân có xu hướng chờ giá phân ure giảm thêm mới đẩy mạnh mua vào. Theo các cửa hàng VTNN ở ĐBSCL, sau khi giá phân ure tăng lên 570.000 đ/bao (ure TQ và ĐPM), thì mấy ngày qua giá phân ure TQ ở khu vực này đã chững lại và đang giảm nhẹ, riêng ĐPM vẫn giữ giá 570.000đ/bao. Hiện nay, giá phân ure TQ đại lý cấp I ra hàng cho đại lý cấp II là 550.000đ/bao, giảm 10.000 đ/bao so với trước, còn ĐPM vẫn bán với giá 560.000đ/bao. Đại lý cấp II bán ra cho nông dân với giá 560.000đ/bao ure TQ và 570.000đ/bao ĐPM. Trước đây giá ure TQ bao giờ cũng thấp hơn ĐPM, nhưng mấy tuần qua trên thị trường giá 2 loại phân này được các cửa hàng VTNN bán ra cùng một giá 570.000 đ/bao, nên hầu hết bà con nông dân chọn mua ĐPM để bón cho cây lúa, nhưng nay ure TQ đã thấp hơn ĐPM 10.000 đ/bao thì bà con nông dân lại quay sang ure TQ. Theo các cửa hàng VTNN, người nông dân thấy ure TQ rẻ nên mua, chứ thật ra chất lượng ure TQ không bằng ĐPM!
Đủ phân bón cung ứng cho vụ hè – thu
Trước diễn biến của thị trường phân bón cùng những thông tin giá phân ure sẽ còn giảm thêm, nên hầu hết các cửa hàng VTNN không dám nhập phân nhiều mà chỉ mua vừa đủ bán, còn người nông dân cũng chỉ mua đủ bón cho từng đợt. Nếu dự đoán thị trường phân bón sẽ tăng giá thì các cửa hàng đẩy mạnh mua vào để “đón gió”, nhưng nay trước những dự báo thị trường phân ure sẽ còn giảm trong thời gian tới, nên các đại lý cấp II chỉ mua một lượng phân vừa đủ để bán cho từng đợt bón phân của nông dân. “Tùy theo nhu cầu và tính toán xem mỗi đợt bón phân người nông dân cần bao nhiều thì mua về bấy nhiêu, chứ không mua nhiều như trước đây. Với lại mua bán phân bây giờ cũng rất tiện lợi, chỉ cần điện thoại cho đại lý cấp I, thương lượng giá cả xong vài tiếng đồng hồ sau là có phân rồi, quan trọng là phương thức thanh toán. Bây giờ hầu hết các đại lý cấp I đều đòi nhận “tiền tươi”, nghĩa là trả tiền thì mới đực nhận phân, đại lý cấp II mua hàng trả đủ tiền mặt nhưng khi bán lại cho nông dân thì đa phần là bán nợ đến thu hoạch lúa mới trả. Trung bình trong mỗi vụ lượng phân bón đại lý cấp II bán ghi nợ chiếm từ 70 – 80%, chỉ có 20 – 30% là thu tiền mặt. Đây cũng là áp lực đối với các đại lý cấp II. Qua việc bán nợ VTNN cho thấy tỷ lệ người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thiếu vốn sản xuất là rất cao, chiếm từ 70 – 80%!”, một chủ cửa hàng VTNN ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nói.
Theo các chuyên gia, thời gian qua giá phân ure trong nước tăng do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, tăng theo đà tăng của giá phân thế giới. Thứ hai, theo dự kiến, Nhà máy đạm Cà Mau và nhà máy đạm Ninh Bình sẽ hoạt động từ đầu năm, nên các nhà nhập khẩu phân bón có sự tính toán sản lượng phân ure sản xuất trong nước và không dám nhập về nhiều như các vụ trước. Nhưng trên thực tế thì lượng sản phẩm của hai Nhà máy này đưa ra thị trường không được như dự kiến, khiến cho lượng phân ure đầu vụ hè – thu bị thiếu cục bộ. Hiện nay, lượng phân ure TQ nhập khẩu tiểu ngạch đã về đến Việt Nam, các nhà nhập khẩu đang xả hàng ra nên mấy ngày qua trên thị trường đã ghi nhận được sự hạ nhiệt giá phân ure.
Tổng Cty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo ), cho biết, đến tháng 5/2012 đã cung ứng khoảng 460 ngàn tấn ure ra thị trường, tăng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2011 là 338 ngàn tấn. Ngoài ra, nguồn cung còn được bổ sung thêm 93 ngàn tấn Đạm Cà Mau. Dự kiến trong tháng 6-7/2012, Tổng Công ty sẽ tiếp tục cung ứng ra thị trường khoảng 152 ngàn tấn ĐPM và 110 ngàn tấn Đạm Cà Mau, trong đó phần lớn dành cho khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại thị trường miền Bắc, Nhà máy Đạm Ninh Bình với công suất 560 ngàn tấn/năm, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trong Quý II cũng sẽ góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường.