logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Đồng bằng Sông Cửu Long: Phân bón giả hoành hành

 

  Người dân “đánh bạc” với việc sử dụng phân bón
  (Nguồn: Đại đoàn kết) Người dân lo lắng   Thời gian qua, người dân mua phân bón theo kiểu “hên xui”, nghe, tin theo đại lý chứ không có cách nào để kiểm định được chất lượng. Chỉ sau khi bón xuống ruộng lúc đó mới biết được hiệu quả thực sự. Việc mua phải phân bón giả, bị “lừa tiền” chỉ là chuyện nhỏ, nhưng cái quan trọng là năng suất vụ mùa đó bị ảnh hưởng.   Anh Hồ Hoàng Vũ (ở ấp Đông Mỹ, xã Động Thuận, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) cho biết: Người dân chúng tôi lâu nay hoàn toàn tin tưởng vào các đại lý, còn việc phân bón kém chất lượng thì nhìn ngoài không biết được, chỉ biết sau khi bón lên cây. Theo tôi, các ngành chức năng cần quản lý kiểm tra chặt chẽ thị trường, đừng để người dân phải lãnh hậu quả…   Ông Lê Văn Chiêu (ở xã Vị Tân, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) trồng trên 6 công mía cho biết: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu phân bón nên nông dân chúng tôi không thể phân biệt được thật, giả. Chờ đến khi bón cây thấy không phát triển thì lúc đó chỉ có ngậm đắng…!   Do các đại lý nhỏ lẻ mọc ra ngày một nhiều, tràn lan, len lỏi ở các địa bàn nông thôn của ĐBSCL nên việc quản lý, kiểm tra rất khó khăn. Tuy nhiên theo nhiều ý kiến của các nhà quản lý thì cần phải xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón này thật nặng. Nhưng để xử phạt được, ngoài Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón, còn cần phải có văn bản hướng dẫn một cách cụ thể mới có thể thực hiện được.   Cần quản lý chặt thị trường, xử lý mạnh tay với phân bón giả, kém chất lượng   Mới đây trong buổi sơ kết sản xuất lúa Đông Xuân 2012 – 2013 và triển khai vụ Hè Thu và Thu Đông 2013 của khu vực ĐBSCL diễn ra tại Cần Thơ, ông Trần Quang Củi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang đưa ra cảnh báo: Gần đây, bà con nông dân đang có xu hướng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều hơn. Bên cạnh đó tình trạng chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng vẫn còn phức tạp. Do đó, đề nghị Bộ NN&PTNT cần tăng cường quản lý và xử lý nghiêm tình trạng làm giả, kém chất lượng…   Tiến sĩ Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra để làm rõ phân, thuốc nào là rởm, giả và kém chất lượng gây thiệt hại cho bà con khi sử dụng. Cần phải kiểm tra phân, thuốc, lấy mẫu, khi có kết quả xác định phân, thuốc kém chất lượng phải xử lý thật nặng, chứ đừng như trong thời gian qua, số tiền xử phạt lại chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận mà doanh nghiệp sản xuất phân bón giả thu được, cũng như chi phí phục vụ cho việc kiểm tra, giám định và tiêu hủy. Đơn cử như vừa qua trường hợp ngành chức năng của Cần Thơ phạt lô phân, thuốc khoảng 4 triệu đồng, nhưng kinh phí dự tính để tiêu hủy số phân thuốc kém chất lượng này lên đến 40 – 50 triệu đồng. Đại biểu HĐND TP Cần Thơ từng chất vấn người đứng đầu ngành công thương thành phố chung quanh việc xử lý phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng nhưng câu trả lời nhận được là rất khó khăn và chưa nhiều.   Cũng tại buổi sơ kết sản xuất lúa Đông Xuân 2012 – 2013, trước tình các địa phương phản ánh về tình hình phân bón, thuốc trừ sâu, BVTV giả, kém chất lượng, ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương: “Trong vụ Hè Thu và Thu Đông 2013, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phối hợp chặt với cơ quan chức năng quản lý tốt hơn chất lượng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu để đảm bảo chất lượng, qua đó giúp bà con nông dân an tâm, hướng đến lợi nhuận cao trong sản xuất lúa. Về cơ cấu giống và các giải pháp kỹ thuật giao cho Cục Trồng trọt bám sát để chỉ đạo cho các địa phương, song song đó phải tập trung kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào. Vấn đề chất lượng giống, phân bón, thuốc BVTV… đã có chỉ đạo nhưng bộ máy còn hạn chế, do đó các địa phương cần nỗ lực vượt khó để làm tốt, trong đó tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…”.   Do lượng phân bón tiêu thụ nhiều tầng nấc từ công ty đến các đại lý trung gian lớn, nhỏ ở khắp các địa phương nên đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý. Để kiểm tra chất lượng, giá cả, điều cốt lõi là cần có sự phối hợp chặt giữa các cấp, các ngành. Đại bộ phận người nông dân cho rằng Nhà nước cần phải siết chặt quản lý giá cả, chất lượng phân bón đặc biệt xử lý mạnh tay đối với các trường hợp làm giả, để người dân yên tâm sản xuất.   Quốc Trung