logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Để xuất khẩu phân bón: phải có thương hiệu mạnh

Năm 2012 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan từ xuất khẩu phân bón, bên cạnh nỗ lực ổn định nguồn cho nông nghiệp trong nước. Việt Nam dần chấm dứt thời kỳ là nước nhập khẩu phân bón số lượng lớn.
Tăng xuất, giảm nhập
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo: năm 2013, cả nước cần khoảng 10,3 triệu tấn phân bón các loại, trong đó chỉ phải nhập khẩu gần 2,5 triệu tấn (850.000 tấn SA, 570.000 tấn DAP và 950.000 tấn kali và 100.000 tấn NPK), giảm khoảng 1,5 triệu tấn so với năm 2012, do nguồn phân bón sản xuất trong nước tăng.
Nhu cầu cả nước chỉ khoảng 2 triệu tấn urê/năm, trong khi năng lực sản xuất urê của các nhà máy trong nước sẽ ở ngưỡng 2,6 triệu tấn vào năm 2013. Do đó, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu urê là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp. Hiện Nhà máy đạm Phú Mỹ và Nhà máy đạm Cà Mau đang đề nghị Bộ Công Thương năm 2013 được xuất khẩu từ 60.000- 80.000 tấn urê (hiện được phép xuất khẩu 50.000 tấn). Tiến sĩ Phùng Hà- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)- cho rằng, đó là hướng đi hợp lý để các doanh nghiệp sớm tiếp cận thị trường, chuẩn bị cho các năm tới, khi sản xuất urê trong nước cung đã vượt cầu.
Dự kiến khoảng hơn 2 năm nữa, nhà máy khai thác muối mỏ kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đi vào hoạt động, nước ta sẽ không phải nhập khẩu kali. Với DAP, khoảng 3 năm nữa, Nhà máy DAP số 2 công suất 330.000 tấn/năm tại Lào Cai hoàn thành sẽ đủ cung cấp hoàn toàn DAP trong nước. Với SA, hiện Công ty CP supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đang triển khai dự án dây chuyền sản xuất SA 100.000 tấn/năm. Tất cả sẽ giúp nước ta dần chấm dứt nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu phân bón.
Muốn xuất khẩu phải có thương hiệu
Đó là bài học “nằm lòng” của các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón hiện nay. Ông Phong phân tích, phân bón Việt Nam xuất khẩu theo hai loại: Có thương hiệu và không có thương hiệu (còn gọi là “hàng xá”). Mới có một số doanh nghiệp xuất khẩu phân bón có thương hiệu, chủ yếu xuất sang các thị trường gần như Lào, Campuchia, Nhật Bản… Phân bón có thương hiệu khi xuất khẩu giá bán tốt hơn, lợi nhuận cao hơn và quan trọng nhất là giữ được thị trường ổn định lâu dài. Còn phân bón “hàng xá” chủ yếu xuất sang các thị trường Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, châu Phi… Các nhà nhập khẩu mua với giá rẻ về đóng bao bì rồi tung ra thị trường dưới thương hiệu của họ.
Cũng chính thương hiệu mạnh đã giúp cho Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao có được thị phần tại thị trường khó tính như Nhật Bản. Ông Nguyễn Duy Khuyến- Tổng giám đốc công ty- cho biết: Trong tháng 12/2012, công ty đã xuất những lô supe đầu tiên sang Nhật. Đây là một đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến, đòi hỏi nguồn phân bón chất lượng cao và ổn định nên phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe. Đích thân ông Khuyến đã có chuyến khảo sát và giới thiệu, trình diễn mô hình bón phân Lâm Thao tại Nhật Bản. Trước đó, Nhật Bản cũng đã cử nhiều đoàn công tác sang công ty để giám sát quá trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Supe Lâm Thao cũng là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu được supe lân mang thương hiệu của chính công ty sang Nhật.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm xuất khẩu, Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) Cao Hoài Dương cho hay: Năm 2012, PVFCCo đã xuất khẩu được 50.000 tấn urê, chủ yếu sang thị trường Campuchia. Trong nỗ lực xúc tiến ra thị trường nước ngoài, công ty đã thực hiện nhiều mô hình trình diễn nhằm giúp nông dân nước sở tại biết cách sử dụng giống lúa ngắn ngày, tiết kiệm thời gian chăm bón đồng thời nâng cao năng suất. Kết quả thu hoạch mô hình cho thấy, việc sử dụng phân bón urê của Phú Mỹ hợp lý đã làm tăng năng suất lên gần 6 tấn/ha, thay vì 3- 3,5 tấn/ha như trước.