Để có được cơ đồ hôm nay, chúng ta đã vượt qua bao thử thách, thất bại và cả những đớn đau!
petrotimes.vn | 22/11/2021
Ông Bỳ Văn Tứ, nguyên Trưởng ban QLDA Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc hàng ngũ những người đầu tiên xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam, ông đã có những đóng góp xứng đáng mang lại vinh quang chung của ngành. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11), ông Bỳ Văn Tứ đã chia sẻ với PetroTimes những cảm xúc truyền thống cũng như những trăn trở về tương lai của ngành.
PV: Là người gắn bó nhiều năm, dành nhiều tâm huyết với ngành Dầu khí Việt Nam nói chung cũng như lĩnh vực hóa dầu nói riêng, khi nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của ngành Dầu khí, cảm xúc của ông thế nào, thưa ông?
Ông Bỳ Văn Tứ: Tôi vào nghề dầu khí từ năm 1971, khi vừa tốt nghiệp Học viện Dầu khí Rumani về nước, được làm việc tại Ban Dầu mỏ – Khí đốt (Ban Dầu khí) thuộc Tổng cục Hóa chất, tham gia nghiên cứu quy hoạch phát triển khâu hạ nguồn và soạn thảo các dự án lọc hóa dầu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ban Dầu khí là một trong 3 đơn vị tiền thân của Tổng cục Dầu khí được thành lập vào tháng 9/1975.
Ông Bỳ Văn Tứ – nguyên Trưởng ban QLDA Nhà máy Đạm Phú Mỹ |
Ngành Dầu khí hiện nay thực sự là một ngành công nghiệp mũi nhọn, phát triển toàn diện từ khâu thượng nguồn tới khâu hạ nguồn, bao gồm cả dịch vụ kỹ thuật và sản xuất điện, đạt được những thành tựu vẻ vang. Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhìn nhận: “Suốt nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã trở thành một tập đoàn kinh tế quan trọng, đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng đất nước, ngành Dầu khí đã góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam – NXB Chính trị Quốc gia – năm 2011).
Thật là tự hào khi được đứng trong hàng ngũ những người đầu tiên xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam, đã có những đóng góp xứng đáng vào thành quả chung, mang lại vinh quang chung. Có được cơ đồ như hôm nay, chúng ta đã phải vượt qua bao nhiêu thử thách của chiến tranh, khắc phục bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn của giai đoạn bao cấp, bị cấm vận, đã phải vắt kiệt tâm sức, trí tuệ để thực hiện các giải pháp, các phương án phát triển trong những hoàn cảnh rất phức tạp và cũng đã có những thất bại và đau đớn trước khi đạt được thành công…
Tôi luôn biết ơn các thủ trưởng ngành như: các cố Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Hòa, Trương Thiên, là những người thầy đáng kính, đã đào tạo, rèn luyện chúng tôi trưởng thành, truyền cho chúng tôi lòng đam mê nghề nghiệp, ý chí vươn lên, vượt qua thử thách để thành người Dầu khí trọn đời. Các vị tiền bối đã có công rất lớn đưa được con thuyền dầu khí vượt qua nhiều trận phong ba, bão tố tiếp tục tiến lên. Tôi cũng xin gửi niềm tri ân tới các đồng nghiệp đã cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, cống hiến sức lực, tâm trí, mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng vì sự nghiệp chung.
Tôi hy vọng ngành Dầu Khí Việt Nam sẽ được các thế hệ đồng nghiệp tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
PV: Nói về thành công của Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ – “đứa con đầu lòng” của ngành hóa dầu, hẳn ông rất tự hào?
Ông Bỳ Văn Tứ: Nhà máy Đạm Phú Mỹ đi vào vận hành, sản xuất đã được 17 năm liên tục an toàn, liên tục có lãi, đạt hiệu quả cao. Nếu không có chủ trương đúng đắn, quyết sách dũng cảm của Thủ tướng Chính phủ, chưa chắc dự án đã được triển khai. Nếu lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam lúc đó không quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm, kịp thời các thủ tục, các đề xuất của cơ sở, dự án đã không thể hoàn thành nhanh gọn, chất lượng tốt, chi phí dưới mức dự toán được duyệt.
Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ (trong đó có Chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng) đã nỗ lực, bài bản, đoàn kết trong việc thực hiện được mục tiêu “bất biến” là dự án phải thành công, với các giải pháp “vạn biến” về thu xếp tài chính, giải ngân hiệu quả, tiết kiệm; chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến; chọn được nhà thầu có thực lực, có trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với nhà thầu; đào tạo đội ngũ vận hành kỹ lưỡng, kết hợp được kinh nghiệm thực tiễn với sức sáng tạo và tài năng trẻ trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra là sự ủng hộ thực chất của các bộ ngành, chính quyền địa phương… Sức mạnh tổng hợp của các yếu tố tích cực đã làm nên thành công của việc thực hiện dự án cũng như việc vận hành sản xuất kinh doanh sau này. Trong đó, nhân tố tiên quyết, xuyên suốt quá trình ấy chính là con người. Con người quyết định thành bại, con người quyết định tất cả!
PV: Ông nhìn nhận thế nào về vai trò và đóng góp của ngành hóa dầu đối với sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong suốt thời gian qua cũng như tương lai sắp tới?
Ông Bỳ Văn Tứ: Đất nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các loại sản phẩm hóa dầu như các loại chất dẻo, nhựa, keo, sơn, sợi tổng hợp, chất tẩy rửa và các nguyên liệu có nguồn gốc hóa dầu đã hiện diện rất đa dạng trong đời sống hàng ngày, trong tất cả các ngành xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, chế biến nông sản, y dược, mỹ phẩm, dịch vụ, du lịch, quân sự… Có thể nói, chúng ta sống không thể thiếu các tiện ích, đồ dùng, dụng cụ, máy móc thiết bị, phương tiện, vật liệu… được làm bằng sản phẩm hóa dầu hoặc được chế biến qua hóa dầu. Điều này thì ai cũng biết!
Hiện nay, ngành Dầu khí sản xuất được 1,6 triệu tấn/năm phân đạm urea từ khí thiên nhiên từ hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, là sản phẩm hóa dầu chủ lực, đáp ứng được khoảng 60-70% nhu cầu thị trường nội địa, phục vụ nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Chúng ta cũng đã sản xuất được chất dẻo polypropilen ở Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, sợi tổng hợp polyester ở Đình Vũ, Hải Phòng, và có cổ phần trong Nhà máy PVC, chất hóa dẻo DOP. Tuy nhiên, những sản phẩm này chiếm thị phần không lớn trên thị trường nội địa.
Ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam còn trong giai đoạn sơ khai, chủng loại sản phẩm còn nghèo nàn, sản lượng ít, chất lượng thấp. Khoảng trống rất lớn giữa cung và cầu nội địa về sản phẩm hóa dầu đang được cân đối bằng nhập khẩu. Phần lớn các nguyên liệu, sản phẩm, bán thành phẩm hóa dầu đều đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam thực chất đang là thị trường tiêu thụ sản phẩm hóa dầu cho các nhà sản xuất từ Singapore, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông.
Trước mắt, trong vòng 10-20 năm tới, ngành công nghiệp hỗ trợ cần được cung cấp nhiều nguyên liệu, sản phẩm, bán thành phẩm hóa dầu để thay thể các nguồn nhập khẩu, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản xuất nội địa.
PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng phát triển cũng như những thách thức, khó khăn của ngành hóa dầu trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Bỳ Văn Tứ: Triển vọng phát triển ngành hóa dầu ở Việt Nam trong thời gian tới rất sáng sủa. Mục tiêu chiến lược phát triển đất nước tới năm 2030 và 2045 đã được xác định rất rõ ràng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhiều hiệp định thương mại đa phương và bảo hộ đầu tư đang đi vào hiệu lực. Qua đó thấy rằng, thị trường nội địa sẽ bùng nổ, các nguồn lực tương ứng sẽ được huy động tối đa, cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ rất nhiều.
Tuy nhiên, các thách thức lớn cũng dễ dàng nhận dạng: Trữ lượng dầu khí của ta có hạn, ngày càng cạn kiệt, nguồn tài chính trong nước không nhiều, chưa có công nghệ và thiết bị tiên tiến, trình độ quản lý đang cần được nâng cao qua học hỏi thực tiễn, năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế còn yếu, cơ sở hạ tầng còn chưa đủ, hệ thống chính sách, cơ chế và thủ tục quản lý đang cần được cải thiện… Trên thị trường thế giới và thị trường khu vực, nhiều sản phẩm hóa dầu đã dư thừa công suất, giá cả và chi phí rất cạnh tranh. Đối với những người mới nhập cuộc, cần nhiều nỗ lực và thời gian để xen vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường ngách.
Ông Bỳ Văn Tứ trong ngày họp mặt truyền thống PVFCCo
Như vậy có thể thấy rằng, có rất nhiều việc cần làm ngay, làm một cách đồng bộ theo những lộ trình thực tế tin cậy, phù hợp với mục tiêu và đếm ngược từng ngày để biến triển vọng thành khả thi, biến khả thi thành hiện thực.
Trong phạm vi ngành Dầu khí, phát triển hóa dầu trong Liên hợp Lọc hóa dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cũng như các dự án chế biến khí thiên nhiên thành các sản phẩm hóa dầu là những dự án khả thi nên được xúc tiến càng sớm càng tốt. Trên phạm vi toàn quốc, các doanh nghiệp nhà nước đang mất dần lợi thế do năng suất thấp, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh kém, nguồn lực hạn chế, thủ tục rườm rà, bị lợi ích nhóm chi phối. Để cải thiện tình hình cần có thời gian và những đột phá về nhiều mặt.
Chiến lược phát triển ngành hóa dầu ở Việt Nam như thế nào để góp phần thực hiện được các mục tiêu chiến lược chung do Đại hội Đảng XIII đặt ra có thể có nhiều lựa chọn về các sản phẩm phù hợp, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị từ khâu sản xuất tới các khâu phân phối, sử dụng từng sản phẩm, sự huy động các nguồn lực từ nhiều phía, mức độ nội địa hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành sản xuất chủ lực, sự bùng nổ về phát triển hạ tầng trên cơ sở hành lang pháp lý thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế.
Thời gian 9 năm và 24 năm để đất nước vươn mình lên tầm cao của thế giới không phải là dài. Ngành hóa dầu nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung cần những hành động cụ thể để đạt được mục tiêu.
PV: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Lê Trúc (Thực hiện)