Đạm Phú Mỹ: Sang Campuchia dạy dân trồng lúa khỏe
Bà con nông dân tỉnh Tà Keo quan tâm đến phân urê Đạm Phú Mỹ Khi đứng bên cạnh 3 ha lúa chín vàng ươm của mình nằm trong mô hình ruộng trình diễn, gặp tôi, chị Phone Sô Phinh (ấp To Tưng, xã Phnom Đênh) cười hả hê vì vừa hưởng được những thành quả từ cây lúa hơn cả mong đợi. Chị tâm sự: Ruộng lúa này những năm trước đây chỉ thu hoạch cao lắm 4 – 5 tấn/ha là coi như được mùa. Nhưng năm nay, được các cán bộ kỹ thuật của Đạm Phú Mỹ và Cty CP BVTV An Giang đến tận đồng ruộng hướng dẫn tham gia mô hình ruộng trình diễn bằng phương pháp sạ hàng thì năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Hiện tôi chỉ mới thu hoạch có 1 ha lúa mà đã cho năng suất bình quân đến gần 8 tấn/ha, cao gấp đôi so với các vụ trước. “Đáng học hỏi là cách phòng trừ sâu bệnh và bón phân đạm urê của Đạm Phú Mỹ sao cho hợp lý để có hiệu quả nhất”, chị nói. Vui không kém gì chị Phone Sô Phinh, anh Sê Bun Suôn (xã Phnom Đênh) hào hứng khoe với tôi về 2 ha đất của anh chưa bao giờ lại có năng suất cao như vậy kể từ khi anh tham gia phương pháp canh tác mới trên mảnh ruộng trình diễn của mình. Giờ thì với mô hình mới đã giúp anh tăng năng suất thu hoạch lúa lên đến gần 7 tấn lúa/ha. Anh nói: “Tôi học được rất nhiều từ những hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác, tôi thường xuyên sử dụng phân đạm urê của Đạm Phú Mỹ theo đúng hướng dẫn, giúp cây lúa khỏe mạnh, có hiệu quả rõ rệt. Chắc chắn vụ mùa tiếp theo tôi sẽ sử dụng loại phân đạm đó”. Còn anh Men Bon, một nông dân sản xuất giỏi, đại diện cho 21 hộ dân tham gia cánh đồng mẫu lúa cao sản ở xã Phom Đênh, khi phát biểu trước đông đảo bà con nông dân trong xã, đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Đạm Phú Mỹ và Cty CP BVTV An Giang đã không ngại khó khăn, đưa các kỹ sư nông nghiệp sang đây hướng dẫn tận tình những kỹ thuật canh tác lúa và cung cấp các giống lúa mới, phân bón, thuốc trừ sâu. Anh Men Bon nói rằng các nông dân Tà Keo mong muốn tiếp tục được áp dụng mô hình canh tác mới này cho những vụ mùa tiếp theo và nhân rộng đến những cánh đồng khác trên đất nước Campuchia. Mặc dù mới là vụ đầu tiên áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa, nhưng những hiệu quả thực tế của nó đang làm người nông dân Tà Keo vô cùng phấn khởi, tin tưởng sẽ được nhân rộng ra toàn tỉnh. Tuy không tham gia trong mô hình và từng nghi ngờ về khả năng thu hoạch 8 tấn lúa/ha do địa hình đồng ruộng Tà Keo vốn không thật bằng phẳng và hệ thống thủy lợi ở đây cũng không thuận lợi cho lắm, nhưng rồi với những gì “mắt thấy tai nghe”, lão nông Kuu Ky cùng hàng trăm nông dân ở các huyện khác trong tỉnh Tà Keo cũng rủ nhau đến tham quan cánh đồng mẫu 8 tấn/ha ở xã Phnom Đênh để học hỏi, ứng dụng cho đồng ruộng của mình. Được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn tận tình, lão nông Kuu Ky và các nông dân Tà Keo đã sang tận An Giang để lấy giống lúa cao sản (giống OM4218) và mua phân đạm urê của Đạm Phú Mỹ về bón cho cây lúa, sau quá trình chăm sóc vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ mô hình, kết quả đã đạt năng suất khá cao, lên đến 6 – 7 tấn lúa/ha (trước kia thường họ chỉ thu hoạch được 3 – 4 tấn lúa/ha). Ông Kuu Ky phấn khởi nói, nhờ học hỏi làm theo, trên diện tích 3ha lúa của ông vừa mới thu hoạch đã cho năng suất thu hoạch bình quân đến gần 7 tấn/ha, gấp đôi so với những vụ canh tác trước đó. Ông Lương Lê Phương (Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Việt Nam): Mô hình này là sự kết hợp cần thiết giữa Đạm Phú Mỹ và Cty CP BVTV An Giang, giúp bổ sung cho nhau để đạt hiệu quả cao. Tôi đề nghị hai doanh nghiệp trên ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm, đưa ra phương án mở rộng mô hình cho bà con nông dân Campuchia trong thời gian tới. Ngoài ra, tôi còn được biết Đạm Phú Mỹ và Cty CP BVTV An Giang có nhiều hoạt động hỗ trợ khác cho nông nghiệp trong nước cũng như quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, có nhiều hoạt động nổi bật nhằm cải thiện đời sống nông dân. Thay mặt Bộ NN&PTNT Việt Nam, tôi đặc biệt biểu dương Đạm Phú Mỹ và Cty CP BVTV An Giang, chúc cho Đạm Phú Mỹ ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Ông Ith Sok (Phó tỉnh trưởng tỉnh Tà Keo): Tôi ủng hộ những nhà kinh doanh như Đạm Phú Mỹ và Cty CPBVTV An Giang khi thực hiện phương pháp canh tác mới nhằm giúp nông dân Campuchia tăng năng suất lúa với sự quyết tâm cao. Kết quả không chỉ làm lợi cho xã Phnom Đênh, huyện Kirivong hay tỉnh Tà Keo, mà còn mở ra hướng xuất khẩu lúa gạo của Campuchia. Tôi hy vọng các nông dân Campuchia sẽ mạnh dạn áp dụng phương pháp này để các cánh đồng lúa của tỉnh Ta Keo sẽ đạt năng suất 8 tấn/ha trong mỗi mùa vụ.. …Đến dự án 8 tấn lúa/ha Trở lại cánh đồng mẫu 8 tấn/ha ở xã Phom Đênh mùa gặt này, ông Trần Văn Thắng, Phó trưởng Ban Phân bón thuộc PVFCCo có nói với phóng viên báo Năng Lượng Mới rằng trong xuyên suốt quá trình thực hiện Dự án “Chuyển giao kỹ thuật xây dựng Cánh đồng mẫu 8 tấn/ha” do PVFCCo phối hợp Cty CP BVTV An Giang thực hiện, lãnh đạo PVFCCo thường xuyên chỉ đạo các cán bộ kỹ thuật cần phải giúp nông dân Campuchia để họ tin tưởng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của ta trong sản xuất nông nghiệp, phải chỉ dẫn cặn kẽ, “dắt tay, chỉ việc” cho họ và trực tiếp cùng ra đồng, cùng làm, cùng hướng dẫn với bà con nông dân để họ tin tưởng vào mô hình ruộng trình diễn bằng phương pháp sạ hàng của ta. “Ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, chúng tôi đã hướng dẫn người nông dân Campuchia từ khâu làm đất đến khâu ngâm ủ giống, lựa hạt, chăm sóc cây lúa, hướng dẫn cách thức sử dụng phân đạm urê và thuốc trừ sâu sao cho hợp lý cho đến khi thu hoạch”, ông Thắng nói. Theo ông Thắng, nông dân nước bạn vốn còn hạn chế và thiếu hiểu biết về trình độ sản xuất nông nghiệp, trong khi tiềm năng phát triển nông nghiệp lại rất lớn. Để thuyết phục nông dân Campuchia làm theo phương pháp mới, để cho họ nhớ thì cách tốt nhất là “dắt tay, chỉ việc” và “mắt thấy tai nghe”. Cụ thể là làm cho họ thấy những thành quả áp dụng khoa học kỹ thuật để có năng suất thu hoạch lúa cao và giúp họ thấu hiểu các kỹ thuật canh tác mới, cách gieo sạ hàng, tiết kiệm giống, phòng trị dịch hại trên lúa, đưa ra quy trình và kỹ thuật chăm bón khoa học. Phải giúp người nông dân Campuchia tin tưởng vào sản phẩm phân bón của Đạm Phú Mỹ trong quy trình kỹ thuật để tăng năng suất lúa từ 3 – 4 tấn lúa/ha lên đến 7 – 9 tấn/ha.Với mục tiêu là nhà cung cấp phân đạm chất lượng hàng đầu trên thị trường Campuchia, lãnh đạo PVFCCo mong muốn sẽ tiếp tục chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ở đây trong thời gian tới. Và điều đáng mừng là giá lúa mùa này khá cao, lại được tỉnh An Giang bao tiêu sản phẩm nên các nông dân ở xã Phnom Đênh đang trong mùa gặt tỏ ra rất lạc quan. Còn với các kỹ sư nông nghiệp của tỉnh An Giang có mặt tại cánh đồng mẫu lúa cao sản trong suốt 3 tháng qua, ngày nào họ cũng đầm đìa mồ hôi với tấm áo ướt sũng tất bật chạy đi chạy lại như con thoi lo việc hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho các nông dân Campuchia đến tham quan cánh đồng mẫu. Kỹ sư Kim Sa Rương (Cty CP BVTV An Giang) cho biết từ khi thực hiện cánh đồng mẫu, đến nay đã có hơn 400 nông dân ở tỉnh Tà Keo cùng một số tỉnh lân cận và hàng trăm cán bộ, sinh viên nông nghiệp của Campuchia đến tham quan, học tập mô hình canh tác mới. Với những hiệu quả thiết thực mang lại cho nông dân Campuchia, mô hình ruộng trình diễn bằng phương pháp sạ hàng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Bộ Nông – Lâm và ngư nghiệp Campuchia, cũng như sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo 2 tỉnh kết nghĩa là An Giang – Tà Keo, và sự kết hợp, tổ chức chặt chẽ của 2 doanh nghiệp, đối tác lâu năm là PVFCCo và Cty CP BVTV An Giang. Khi đến khảo sát cánh đồng mẫu 8 tấn/ha tại xã Phnom Đênh vào những ngày cuối tháng 2 vừa qua, ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam vui vẻ tâm sự với phóng viên báo Năng Lượng Mới rằng đây là mô hình thí điểm nhưng rất hiệu quả, mở ra nhiều hướng hợp tác mới cho Việt Nam giúp nước bạn Campuchia áp dụng các phương pháp quản lý về chuỗi sản xuất nông nghiệp, về cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm. “Tôi nghĩ chúng ta còn rất nhiều việc để giúp nền nông nghiệp Campuchia phát triển. Tôi đề nghị tỉnh An Giang phối hợp tỉnh Tà Keo cần làm tốt công tác khuyến nông, giúp quy hoạch lại công tác thủy lợi ở tỉnh bạn. Đối với nông dân của nước bạn, các kỹ sư của chúng ta cần cầm tay chỉ việc, phù hợp thực tế của Campuchia. Tôi sẽ đề nghị Tổng công ty lương thực miền Nam giúp nông dân tỉnh Tà Keo tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phải giúp họ đảm bảo có lợi nhuận hơn 30% trở lên từ cây lúa. Tôi cho rằng các doanh nghiệp khác nếu có hướng đầu tư sang Campuchia cũng nên học tập theo cách làm của Đạm Phú Mỹ và Cty CP BVTV An Giang, vừa giúp nước bạn phát triển kinh tế vừa mang tính nhân đạo ”, ông Phương nói. Theo báo Năng lượng mới