logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Chị Phạm Thị Tuyết Mai – Kỹ sư Xưởng Điện, Nhà máy Đạm Phú Mỹ: Vui, hạnh phúc là thành công

Petrotimes, 8/3

Người ta có nhiều cách định nghĩa khác nhau về người phụ nữ hiện đại, thành công, còn với chị Tuyết Mai, thành công đơn giản là khi tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trong công việc, cuộc sống,…

1. Thông thường, nói đến người kỹ sư điện thì người ta sẽ nghĩ ngay đến các anh thanh niên cao to thường xuyên phải “vật lộn” với các mạch điện, thiết bị, máy móc khá rối rắm và cồng kềnh ở các nhà máy, xí nghiệp. Hay người ta đã có câu: “Trai Bách Khoa như chim anh vũ, gái Bách Khoa như củ sắn lùi”… Nhưng thực tế ở Xưởng Điện, Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – PVFCCo) thì rất khác bởi không chỉ có các anh mà còn có những bông hoa xinh đẹp và giỏi nghề. Chị Phạm Thị Tuyết Mai là một trong những bông hoa đó.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Kiev – Ukraina, chị Tuyết Mai nhận được quyết định vào làm tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Đây cũng là thời gian đầu nhà máy mới đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, chị trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau như: Kỹ sư Điện thuộc Tổ bảo dưỡng động cơ (2004 – 2009), Kỹ thuật viên mảng Điện lạnh Xưởng Điện (2010 – 2014) và Kỹ thuật viên Vật tư Xưởng Điện (từ 2014 đến nay). Hiện tại, công việc chính của chị hằng ngày tại Xưởng Điện là đảm trách mảng vật tư của Xưởng, kiểm soát hạng mục vật tư mua sắm, sử dụng hàng tháng – năm, tư vấn và cân đối nhu cầu sử dụng cũng như lập kế hoạch mua vật tư liên quan đến mảng điện.

Nói về đặc thù công việc ở Xưởng Điện đối với phụ nữ, chị Tuyết Mai quan niệm rằng, ngày nay phụ nữ rất bình đẳng, cũng không phân biệt nghề này nghề kia đối với phụ nữ và nghề nào cũng có cái khó khăn, thuận lợi của nó. Với chị, chỉ cần cố gắng không nản việc, chủ động trong công việc, đưa ra những kế hoạch rõ ràng việc nào trước việc nào sau và giải quyết lần lượt.

Thế nhưng, chị cũng thừa nhận gặp không ít khó khăn, áp lực trong thời gian đầu mới vào nghề bởi thực tế công việc tại một Nhà máy hóa dầu hiện đại bậc nhất đất nước so với kiến thức học trong nhà trường có sự phong phú, đa dạng, cập nhật hơn rất nhiều. Ban đầu chị được phân công công việc bảo dưỡng và sửa chữa các động cơ/thiết bị điện sao cho thiết bị hoạt động tốt/kịp thời và phải có tính dự phòng cao góp phần đảm bảo cho dây chuyền hoạt động của nhà máy. Sau này khi đã quen, chị được lãnh đạo tin tưởng giao sang mảng công việc khác là chịu trách nhiệm về toàn bộ hệ thống điện lạnh của nhà máy…

“Khi đi sâu vào kỹ thuật, là một người phụ nữ mình cũng thấy có nhiều hạn chế so với các đồng nghiệp nam về sự lăn xả trong công việc, tiếp cận với các thiết bị máy móc ngoài hiện trường, khi máy móc có sự cố vào những khoảng thời gian ngoài giờ hành chính hoặc tối muộn… Và đó cũng là áp lực của mình”, chị Tuyết Mai chia sẻ.

Tuy nhiên, ngoài những lo lắng và áp lực đó thì rất may mắn là bên cạnh chị có lãnh đạo trực tiếp và những đồng nghiệp rất cảm thông và sẵn sàng chia sẻ, tư vấn và đưa ra những lời khuyên mỗi khi chị có những vướng mắc và khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà chị Tuyết Mai luôn cảm thấy ấm áp, niềm vui khi bước chân tới nhà máy làm việc mỗi ngày. Với chị, môi trường làm việc ở đây giống như anh chị em một nhà!

Nói đến điều này, lại nhớ đến một bông hoa khác cũng từ Xưởng Điện mà tôi có dịp trò chuyện mấy năm trước. Đó là chị Trần Thị Thanh Nga, Chủ tịch Công đoàn Xưởng Điện khi ấy. Việc biến nơi làm việc ở Xưởng trở thành “ngôi nhà thứ hai”, các đồng nghiệp như là người thân trong gia đình có không ít công sức và tâm huyết của chị Nga qua rất nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Và không phải đến bây giờ mà từ những năm trước, “đoàn kết” luôn là một điểm nhấn đáng tự hào mỗi khi nhắc đến Xưởng Điện. Ở đó, mọi người luôn sống và làm việc theo tinh thần “Together everyone archieve more” (Mọi người cùng nhau đạt được nhiều hơn).

Cũng chính vì Xưởng như một ngôi nhà đông anh em nên chị Tuyết Mai cũng như nhiều anh chị em luôn nỗ lực hết mình với công việc. Chị luôn tìm tòi, sáng tạo để có những giải pháp hợp lý nhất áp dụng vào công việc hàng ngày, giúp công việc được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhiều ý tưởng, sáng kiến của chị Mai, “dẫu không thật to lớn”, như chị khiêm tốn cho biết, nhưng đã đã góp phần tạo nên những thành tích lớn lao chung của Xưởng, Nhà máy.

Với chị Tuyết Mai, thành công là khi tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc cũng như trong cuộc sống

2. Phương châm của chị Tuyết Mai là “ưu tiên điều quan trọng” và chủ động trong công việc, không để công việc dồn lại; những việc gì giải quyết trên cơ quan thì giải quyết hết còn khi về nhà để đầu óc chu toàn cho con cái và gia đình. Có lẽ vì thế mà dù chồng chị làm việc xa nhà, gia đình con cái phần lớn do chị chăm sóc, dạy dỗ nhưng chị vẫn chu toàn được mọi thứ; con cái ngoan ngoãn, đạt nhiều thành tích cao trong học tập và bản thân chị cũng hoàn thành công việc chuyên môn tại đơn vị một cách tốt nhất. Trong nhiều năm liền, chị được khen thưởng là Lao động tiên tiến cấp cơ sở, khen thưởng Sáng kiến cấp Tổng công ty liên tiếp 2 năm 2014 – 2015,…

Nói về người phụ nữ thành công, hạnh phúc thời nay, người ta hay có nhiều cách định nghĩa khác nhau, phụ thuộc vào việc đạt được mục tiêu mà mỗi người đề ra. Với chị Tuyết Mai, thành công là khi chị tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc cũng như trong cuộc sống, luôn làm mới bản thân, tự mình thực hiện được những gì mình thích, tạo cơ hội để đem lại hạnh phúc cho chính mình.

“Mình cảm thấy mình là người thiên về gia đình, tìm được niềm vui trong công việc, hàng ngày đi làm về ngoài việc bận bịu với con cái cũng cố gắng dành thời gian cho bản thân một chút, và cứ làm hết mình rồi mọi việc sẽ không phụ mình. Quan niệm hạnh phúc của mình cũng rất đơn giản như câu trong một bài hát mà mình tâm đắc: “Hạnh phúc là khi về nhà, mẹ vẫn chờ ba dang rộng cửa”, chị Tuyết Mai chia sẻ.

Nói về công việc sắp tới, năm nay Nhà máy Đạm Phú Mỹ sẽ có kỳ bảo dưỡng tổng thể với nhiều hạng mục quan trọng liên quan đến Xưởng Điện, chị Tuyết Mai đặt mục tiêu phát huy hơn nữa hiệu quả công việc đang đảm nhận, nhất là trong đợt BDTT, để góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Xưởng Điện nói riêng và của Nhà máy, PVFCCo nói chung.

L.Trúc