Bộ trưởng Bộ NNPTNT: “Từng bước tháo gỡ khó khăn cho nông dân!”
Báo NTNN vừa đăng tải bức thư của nông dân Huỳnh Văn Sơn ở Long An gửi Bộ trưởng nói về những khó khăn của người trồng lúa hiện nay. Sau khi đọc được bức thư này, Bộ trưởng có những cảm nhận như thế nào?
Đời sống của người nông dân Việt Nam còn nhiều khó khăn (ảnh minh họa).
– Qua Báo NTNN, tôi đã nhận được lá thư của ông Huỳnh Văn Sơn. Trước hết, tôi rất cảm ơn ông Huỳnh Văn Sơn đã có một lá thư với những dòng đầy tâm huyết. Những gì ông Sơn nêu trong lá thư không chỉ thể hiện tâm tư, nguyện vọng của cá nhân ông, mà còn thể hiện tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước trong những ngày này.
Đúng là thời gian vừa qua, nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thu nhập và đời sống của nhiều bà con nông dân vẫn còn thấp và bấp bênh, nhất là thời gian gần đây khi giá vật tư tăng lên, giá nông sản không tăng mà còn giảm. Với những hộ gia đình thuần nông trong điều kiện diện tích đất đai rất hạn hẹp, rõ ràng, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn.
Vậy hiện Bộ đang triển khai những biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, thưa Bộ trưởng?
– Trước diễn biến cụ thể của năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp để hỗ trợ bà con nông dân khắc phục những khó khăn cả trước mắt và lâu dài. Những biện pháp trước mắt chủ yếu liên quan đến việc tháo gỡ những khó khăn về thị trường. Chính phủ chỉ đạo Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan tìm các biện pháp tháo gỡ những khó khăn về thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản do nông dân làm ra.
Đối với lúa gạo, ngoài việc thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ đã triển khai chương trình tạm trữ. Tuy đã hết hạn tạm trữ, nhưng Bộ NNPTNT đã báo cáo gia hạn chương trình đến 15.8 và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương này. Về lâu dài, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương của Đảng đối với khu vực này, qua đó làm rõ các giải pháp cần thúc đẩy thực hiện trong thời gian tới.
Hiện nay, Đề án tái cơ cấu đang được Bộ NNPTNT triển khai ra sao để đáp ứng mong mỏi của hầu hết người nông dân là nâng cao thu nhập, thưa Bộ trưởng?
– Trong chủ trương tái cơ cấu ngành, chúng tôi đang thực hiện việc rà soát, điều chỉnh lại từ cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương để phối hợp triển khai thực hiện, trong đó có việc hướng dẫn bà con nông dân phát huy lợi thế của địa phương mình để tập trung vào sản xuất các loại nông sản có thị trường, có hiệu quả cao hơn để có thu nhập cao hơn. Theo đó, một số địa phương có thể chuyển từ trồng lúa có hiệu quả thấp sang trồng ngô, đậu tương có hiệu quả cao hơn như ông Sơn đã gợi ý trong bức thư.
Tôi cũng đã có chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ tập trung vào nghiên cứu và nhanh chóng phổ biến cho nông dân những giống lúa có chất lượng, giá trị cao hơn và bền vững hơn để thay thế những giống lúa chất lượng, giá trị thấp. Chúng tôi cũng chú ý thực hiện mong đợi, yêu cầu của bà con nông dân đối với việc tăng cường quản lý giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp.
Đảm bảo không làm tổn hại lợi ích nông dân
Trong thư của ông Sơn có nói, hiện người nông dân không chủ động được giá vật tư đầu vào và không được định giá đầu ra. Được biết, trả lời trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ NNPTNT kiên quyết phản đối nhóm lợi ích và nếu có sẽ xử lý triệt để những nhóm lợi ích làm hại đến nông dân. Theo Bộ trưởng, đến nay trong ngành nông nghiệp có nhóm lợi ích nào đang chi phối, thao túng ngành nông nghiệp không?
– Thực tế nước ta đang áp dụng cơ chế thị trường. Theo đó, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được tham gia thị trường và cạnh tranh để cung cấp vật tư đầu vào, cũng như thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra. Chúng tôi chủ trương tạo ra một môi trường cạnh tranh để không một tổ chức, cá nhân nào có được vị thế thao túng thị trường có lợi cho mình, gây tổn hại đến lợi ích của nông dân và chúng tôi luôn theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để thực hiện chủ trương đó.
Cũng có thông tin nói rằng, lúc này, lúc khác cũng có những nhóm này, nhóm khác có biểu hiện lợi dụng vào những vị thế trên thị trường để có thể tác động giá theo hướng có lợi cho mình, chúng tôi luôn luôn kiểm tra và dùng các cơ chế chính sách theo luật pháp để điều chỉnh không xảy ra việc đó. Thực tế, đến nay tôi cũng chưa được báo cáo và cũng chưa xác định có được một nhóm như thế hoạt động một cách rõ nét để xử lý. Chủ trương của chúng tôi là thực thi nghiêm túc các quy định của luật pháp và phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo không xảy ra tình trạng các nhóm thao túng làm tổn hại đến lợi ích của nông dân.
Nói như ông Sơn, người nông dân làm lúa hiện nay gần như không có lãi. Cũng vì lý do này, trong thời gian qua tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng người nông dân bỏ ruộng hoặc xin trả lại ruộng. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình trạng này, trong trường hợp để người nông dân chán ruộng và bỏ ruộng sẽ gây nên những hệ lụy gì?
– Sau khi có thông tin của các cơ quan địa phương và báo chí, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đang cử cán bộ về cùng các bộ, địa phương để điều tra, làm rõ vấn đề này, đặc biệt là nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân dẫn đến bà con phải bỏ ruộng. Qua đó, tìm hiểu và đề xuất những cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân tiếp tục yên tâm sản xuất. Trong trường hợp, nông dân trồng lúa không có hiệu quả thì có thể chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn.
Cũng trong thư của ông Sơn, những người trồng lúa đang rất thiếu thông tin nên ngoài làm lúa ra họ không biết làm gì, trong khi ông Sơn và nhiều nông dân khác đang rất muốn chuyển đổi sang trồng các cây khác. Sắp tới, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn và quy hoạch các vùng chuyển đổi ra sao?
– Vừa qua, tôi đã chỉ đạo Cục Trồng trọt, cũng như các đơn vị liên quan rà soát lại quy hoạch các cây trồng, vật nuôi trên phạm vi toàn quốc và thảo luận với các địa phương cụ thể hóa ở từng địa bàn, làm cơ sở để hướng dẫn cho bà con nông dân chuyển đổi. Mặt khác, Nhà nước cũng có những chính sách, biện pháp hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi có hiệu quả. Hiện Bộ NNPTNT đang gấp rút phối hợp với Bộ TNMT soạn thảo để sớm ban hành thông tư hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Trong bối cảnh hiện nay, nếu bà con nông dân có những ý kiến phản ánh cũng như muốn viết thư gửi Bộ trưởng, Bộ trưởng có sẵn sàng trao đổi và trả lời những ý kiến đó của bà con nông dân?
– Tôi rất cảm động khi nhận được bức thư của ông Huỳnh Văn Sơn, được nghe phản ánh trực tiếp từ một người nông dân và cũng được hiểu thêm những tâm tư, nguyện vọng của bà con. Tôi cũng rất mong muốn nhận được nhiều bức thư, ý kiến như vậy của bà con để có thêm sự hiểu biết, làm cơ sở suy nghĩ đề xuất và trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ cho bà con nông dân có hiệu quả hơn.
Tôi luôn sẵn lòng được lắng nghe ý kiến của bà con và mong muốn được lắng nghe những ý kiến đó qua những kênh khác nhau như thư gửi đến Bộ, đến địa chỉ cá nhân cũng như qua các phương tiện truyền thông đại chúng.