“Ba nhà” chịu thiệt như thế nào khi phân bón không chịu thuế GTGT?
“Ba nhà” ở đây là Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp trong nước đã cùng chịu thiệt suốt 10 năm qua khi phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định của Luật thuế 71.
Suốt 10 năm qua, việc phân bón không chịu thuế GTGT như Luật thuế 71/2014/QH13 (gọi tắt là Luật thuế 71) quy định đã tạo ra một thị trường cạnh tranh thiếu công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Như ví dụ ở phần trước, giả sử giá phân bón trong nước đang là 107 đồng, trong đó 7 đồng là phần của Nhà nước (thuế GTGT đầu vào), 100 đồng là phần của doanh nghiệp đã bao gồm lợi nhuận định mức.
Trong khi đó, hàng nhập khẩu chỉ cần bán với giá 100 đồng là đã đạt được lợi nhuận định mức như hàng trong nước bán với giá 107 đồng. Lý do là khi xuất khẩu, họ đã được hoàn thuế GTGT đầu vào tại nước sở tại và khi nhập vào nước ta thì lại không chịu thuế GTGT. Vì có dư địa 7 đồng, hàng nhập khẩu vô cùng lợi thế khi cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước.
Nông dân chịu thiệt suốt 10 năm qua vì giá phân bón cao do thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo Luật thuế 71 (Ảnh minh họa)
Xin nêu một ví dụ là thực tế đang diễn ra trên thị trường thời gian qua là: khi mùa vụ tới, nhu cầu tăng cao, hàng nhập khẩu có thể bán với giá gần với giá hàng trong nước, ví dụ 106 đồng, vừa cạnh tranh hơn hàng trong nước, đồng thời thu được thêm 6 đồng lợi nhuận siêu ngạch ngoài lợi nhuận định mức. 6 đồng này chính là khoản thuế GTGT lẽ ra phải thu vào ngân sách Nhà nước, nhưng đã vào thẳng túi tư nhân.
Trái lại, vào giai đoạn thấp vụ, tiêu thụ hàng kém, hàng nhập khẩu có thể bán với giá thấp hơn hẳn so với hàng trong nước, ví dụ 103 đồng. Điều này giúp họ vừa bán được hàng vì giá thấp hơn hàng trong nước, mà vẫn thu được cả lợi nhuận định mức lẫn lợi nhuận siêu ngạch. Trong khi đó, hàng trong nước không tiêu thụ được, tồn kho cao hoặc chịu thiệt hại nặng khi buộc phải bán hàng với giá thấp!
Tóm lại, trong mọi trường hợp, với quy định phân bón không chịu thuế GTGT thì rõ ràng hàng nhập khẩu luôn hưởng lợi rất lớn, còn bên chịu thiệt là cả “ba nhà”: Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp.
Trong đó, Nhà nước thì mất khoản thu thuế GTGT từ hàng nhập khẩu mà theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam là lên đến khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng/năm. Nếu thu được phần thuế này, Nhà nước có điều kiện để tăng cường hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nông dân một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, nghiên cứu cây giống, vật nuôi…
Phía nhà nông thì phải mua phân bón với giá cao hơn so với khi áp thuế GTGT 5% khiến chi phí sản xuất tăng, thu nhập giảm sút. Đó là chưa kể đến mặt chất lượng của nhiều nguồn phân bón nhập khẩu bởi có nhiều loại là phân bón kém chất lượng, được mua về và phối trộn thủ công không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và năng suất mùa màng.
Cuối cùng là doanh nghiệp trong nước chịu thiệt. Tình trạng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào kéo dài khiến thâm hụt dòng tiền, nguồn vốn của doanh nghiệp. Theo tính toán, như ở các doanh nghiệp Phân bón Phú Mỹ, Phân bón Cà Mau, mỗi năm chi phí sản xuất bị đội lên hơn 400 tỷ đồng do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Từ đó, doanh nghiệp không có động lực đầu tư phát triển bởi suất đầu tư bị đội lên, chi phí sản xuất bị đội lên, sản phẩm kém sức cạnh tranh so với hàng nước ngoài. Điều này có thể làm ngành phân bón trong nước đi thụt lùi, nông nghiệp có nguy cơ mất tự chủ nguồn phân bón và rất dễ rơi vào trạng thái mất an ninh lương thực. Điều này trái lại với mong muốn của Đảng và Nhà nước…!
Tất cả những bất cập kể trên sẽ được giải quyết khi áp thuế GTGT phân bón 5%, như trước thời điểm ban hành Luật thuế 71 năm 2014.
Vì vậy, rất mong các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các vị đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết thông qua Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) tới đây sẽ lắng nghe tiếng nói của người dân; xem xét thấu đáo mọi khía cạnh để có quyết sách đúng đắn, mang lại lợi ích cho cả nền nông nghiệp đất nước!