logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Áp thuế VAT cho phân bón: Câu chuyện Doanh nghiệp và nông dân ngồi chung “một thuyền”

(Chinhphu.vn) – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, khi Bộ làm việc với Hiệp hội phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp thì họ đều hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là mặt hàng phân bón đến với người nông dân giá giá phải hợp lý và càng rẻ càng tốt để giảm chi phi đầu vào.

Áp thuế VAT cho phân bón: Câu chuyện Doanh nghiệp và nông dân ngồi chung "một thuyền"
- Ảnh 1.
Hiện tượng được mùa giá phân bón lên cũng khiến nhiều người nông dân e ngại – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trăn trở liệu giá phân bón có tăng khi áp thuế VAT ?

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Long Giang (ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) hiện có hơn 30 ha, bao gồm diện tích của HTX và diện tích liên kết với các hộ.

Ông Phạm Trường Giang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Long Giang cho biết với doanh thu mỗi ha khoảng 17 triệu đồng/vụ thì lợi nhuận thu được khoảng từ 30 – 35%, còn lại là chi phí sản xuất, trong đó, chi phí phân bón chiếm 40%.– cho hay, giá phân bón tăng cao, nếu làm không khéo, bà con trong HTX sẽ không thu được con số lợi nhuận trên.

Khoảng 2 năm trở lại đây, giá lúa luôn đứng ở mức cao. Tuy vậy, giá lúa tăng kéo theo vật tư nông nghiệp đầu vào tăng. Không chỉ giá vật tư nông nghiệp tăng cao.

Tại Cần Thơ, câu chuyện chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào cũng là vấn đề được những người nông dân đặc biệt quan tâm. HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A (ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) chuyên trồng vú sữa và sầu riêng.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Trường Khương A chia sẻ, hiện nay bà con hướng đến hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để hạ giá thành sản phẩm. “Mấy năm trước, chúng tôi bán sầu riêng quanh mức 30 – 40 nghìn đồng/1kg, năm vừa rồi 60 – 70 nghìn đồng/1kg. Hiện tại giá sầu riêng Ri6 tầm 140 nghìn đồng/kg, sầu riêng monthong 160 nghìn đồng/kg, giá sầu riêng Ri6 130 – 140 nghìn đồng/kg. Giá biến động mạnh, bà con trồng sầu riêng cũng khá lo lắng, bởi nhiều người chạy theo giá sẽ đẩy mạnh bón phân, chăm sóc cây sầu riêng, sẽ khiến giá thành đội lên. Thị trường chưa ổn định, nếu giá sầu riêng tụt giảm bất ngờ, thì ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Bàn về câu chuyện hiện nay Quốc hội đang thảo luận đưa phân bón từ diện không chịu thuế sang chịu thuế VAT 5%, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ cho biết khi nói đến việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón thì mặc nhiên người nông dân suy nghĩ đến việc mua phân bón sẽ bị tăng so với khi không đánh thuế.

“Tuy nhiên ở góc độ điều hành vĩ mô, nông dân và người dân tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ, sự tham mưu của các đơn vị chuyên môn thì Chính phủ có bài toán làm sao hài hòa nhất để vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Cũng có thể khi áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón nhưng mức giá bán ra bằng hoặc thấp hơn so với không áp thuế. Nông dân cũng kỳ vọng doanh nghiệp sẽ chia sẻ phần lợi nhuận và hướng tới người nông dân để cùng phát triển bền vững”, bà Thư nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau cho rằng, nông dân và doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi một doanh nghiệp có được một khoản tiền quỹ từ việc giảm chi phí sản xuất để nghiên cứu khoa học, họ sẽ đầu tư rất nhiều vào việc cải tiến, phát triển công nghệ. Việc này giúp nâng công suất, giảm giá thành và người nông dân là người tiêu dùng cuối sẽ được hưởng lợi.

“Thực tế nếu chi phí sản xuất cao quá, nông dân sẽ bỏ ruộng. Phân bón sẽ bán cho ai? Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng muốn bán phân bón với giá rẻ. Muốn vậy, doanh nghiệp phải có nguồn ngân sách để đầu tư nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ. Khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón có lời và duy trì được”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Áp thuế VAT cho phân bón: Câu chuyện Doanh nghiệp và nông dân ngồi chung "một thuyền"
- Ảnh 2.
Phân bón của các doanh nghiệp lớn trong nước không chỉ tiêu thụ nội địa mà đã xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Doanh nghiệp có nguồn lực thì mới có cơ sở cho người nông dân hưởng lợi

Cũng về câu chuyện áp thuế này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết quan điểm của Bộ là ủng hộ việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, xét cho cùng thì chúng ta đang muốn tạo điều kiện tối đa để cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực bổ sung thêm sản phẩm, cải thiện hệ thống dây chuyền, mua thêm trang thiết bị và công nghệ sản xuất và quan trọng nhất là hạ giá thành phân bón xuống, khi đó thì mới có lợi cho người nông dân.

“Quan trọng nhất khi mặt hàng phân bón đến với người nông dân là giá giá phải hợp lý và càng rẻ càng tốt để giảm chi phi đầu vào. Khi Bộ NN&PTNT khi làm việc với Hiệp hội phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp thì họ đều hướng tới mục tiêu đó. Việc áp thuế VAT để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để nâng cao công nghệ, từ đó giảm giá thành sản xuất mỗi tấn phân bón, góp phần giúp người dân mua được các loại vật tư, phân bón giá rẻ hơn, hợp lý hơn, từ đó giảm chi phí đầu vào và nâng cao lợi nhuận thu được”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Về thuế suất 5%, ông Lê Quang Mạnh cho hay có ý kiến nhất trí với dự thảo luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%.

Có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Với nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu thuế VAT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế VAT, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua.

Vì thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu. Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch COVID-19, đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất.

Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế VAT đầu vào.

Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, các Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang… Hiệp Hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Đỗ Hương