logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Vựa lúa ĐBSCL thắng đậm vụ 3

 TBKTSG Online – Nhiều năm liền nông dân vựa lúa ĐBSCL gieo trồng lúa vụ 3 (vụ thu đông) yên bình, bất ngờ năm nay lũ lớn khiến báo chí tốn không ít giấy mực là có nên sản xuất lúa vụ 3 hay không. Tuy nhiên, đến giờ này sau khi nông dân thu hoạch xong lúa vụ 3, có thể nói ngành nông nghiệp đã thắng đậm và đang tính triển khai mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Thắng đậm vụ lúa vụ 3

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt trước khi báo cáo kết quả sản xuất vụ 3 trong toàn vùng ĐBSCL tại hội nghị của ngành nông nghiệp đầu tuần này tại An Giang, đã cho các đại biểu xem lại một số hình ảnh nông dân quyết tâm bảo vệ đê trong đợt lũ vừa qua để bảo vệ vụ lúa vụ 3.

Ông Dư cho biết, diện tích xuống giống đạt 671.763/602.400 héc ta theo kế hoạch, cao hơn cùng kỳ 2010 (511.535 héc ta) là 160.228 héc ta; năng suất bình quân ước 4,92 tấn/héc ta, tăng 0,28 tấn/héc ta so cùng kỳ; sản lượng ước đạt 3.300.000 tấn, tăng 930 ngàn tấn so với vụ 3 năm trước.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành ĐBSCL, tình hình thiệt hại do lũ gây ra làm mất trắng diện tích lúa vụ 3 cho đến ngày 26/10/2011 là 8.475 héc ta, chiếm 1,31% diện tích xuống giống.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, vụ 3 năm 2011 An Giang xuống giống 125.884 héc ta, năng suất đạt 5,9 tấn/héc ta.

Theo kết quả điều tra của Viện Lúa ĐBSCL về việc lời – lỗ trong việc sản xuất vụ lúa vụ 3 tại 4 tỉnh thành có diện tích canh tác lúa vụ 3 cho thấy có tới 91% hộ làm lúa vụ 3 có lời, chỉ 1% thua lỗ và 8% hòa vốn nguyên do tự phát, mới làm lần đầu và nằm ngoài đê bao.

Về hiệu quả kinh tế, năng suất lúa đạt 4,22 tấn/héc ta (lúa khô), với giá lúa cao như hiện nay nông dân có lời trung bình khoảng 11 triệu đồng/héc ta/vụ. Với mức lời như vậy thì rất hấp dẫn với người dân, vì nếu không làm lúa vụ này thì không thể sản xuất loại gì để tăng thêm thu nhập.

Cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSC: từ mô hình thành hiện thực

Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, ở vụ 3 năm nay, ĐBSCL đạt 930.000 tấn lúa, góp phần tăng sản lượng  cả nước đạt 42 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, cái mà ông Bổng và ngành nông nghiệp quan tâm hiện nay ở ĐBSCL lại là mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Tổng diện tích thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trong vụ hè thu 2011 là 7.803 héc ta trong kế hoạch 8.370 héc ta, với 6.400 hộ nông dân tham gia. Hiện nay, có 12/13 tỉnh, thành ĐBSCL và Tây Ninh của Đông Nam bộ tổ chức thực hiện cánh đồng mẫu lớn.

Theo Cục Trồng trọt, lợi nhuận tăng thêm từ mô hình cánh đồng mẫu lớn trong vụ hè thu  2011 so với ngoài mô hình thì cao nhất là tỉnh Trà Vinh 7 – 7,5 triệu đồng/héc ta; Cần Thơ 2,3 – 2,5 triệu đồng/héc ta; Long An 2,5 -3 triệu đồng/héc ta; Tây Ninh 2,2 -2,4 triệu đồng/héc ta.

Mục đích của ngành nông nghiệp trong việc triển khai cánh đồng mẫu lớn là để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn. Mô hình cánh đồng mẫu lớn tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc liên kết 4 nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng…

Thực tiễn thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL đã hình thành một số hình thức liên kết phổ biến như sau: Tổ chức cung ứng giống lúa đầu vào (Trung tâm giống Tây Ninh); Hợp tác với doanh nghiệp cung ứng phân bón (Công ty Bình Điền);  Hợp tác với doanh nghiệp thu mua lúa giống (Công ty Gentraco); Hợp tác với doanh nghiệp khép kín từ đầu vào đến đầu ra (Công ty Bảo vệ thực vật An Giang).

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, trong tất cả các hình thức hợp tác nêu trên, phổ biến nhất là tổ chức cung ứng giống lúa đầu vào, hợp tác với doanh nghiệp cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.