Thuế GTGT với phân bón sớm sửa đổi để tạo công bằng
Petrotimes, 13/4
Hiện nay, phần lớn các mặt hàng phân bón chỉ chịu thuế nhập khẩu 0% và phân bón nhập khẩu được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, trong khi phân bón sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giá thành bị đội lên.
Hiện cả nước có trên 700 cơ sở sản xuất phân bón, tổng công suất lên tới 29,5 triệu tấn/năm. Trong đó, 10 doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và 2 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm phần lớn sản lượng phân bón hằng năm.
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU)… thuế nhập khẩu phân bón từ nhiều thị trường đã về 0%. Bên cạnh đó, phân bón nhập khẩu được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, nên các đại lý nhập khẩu có thể hạ thấp giá bán để cạnh tranh với phân bón nội địa, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước.Nguồn cung phân bón trong nước khá dồi dào. Tổng công suất phân urê trong nước lên tới 2,66 triệu tấn với các nhà máy sản xuất lớn như Đạm Hà Bắc, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình, Đạm Cà Mau…, trong khi nhu cầu thị trường chỉ khoảng 2,5 triệu tấn. Thị trường urê nội địa dư cung nhưng lượng urê nhập khẩu hằng năm vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2019, nước ta đã nhập khẩu trên 3 triệu tấn phân bón các loại, với tổng trị giá 858,79 triệu USD; trong đó lượng urê nhập khẩu là 333,3 nghìn tấn, với giá trị 94,9 triệu USD.
Từ năm 2015, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước đã trải qua những biến động lớn khi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón thay đổi. Cụ thể, tháng 11-2014, Quốc hội đã thông qua Luật 71/2014/QH13 về việc sửa đổi Luật Thuế GTGT, có hiệu lực vào ngày 1-1-2015. Theo đó, phân bón được chuyển từ đối tượng chịu thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT. Do đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng giá thành sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu.
Mặc dù những bất cập trong Luật 71/2014/QH13 đã nhiều lần được các bộ, ngành, doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mong muốn, chính sách thuế GTGT với mặt hàng phân bón sẽ sớm được sửa đổi hợp lý để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Bởi nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT về chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ tiết giảm được khoản chi phí lớn được tính vào giá thành sản phẩm, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa, qua đó cũng sẽ giúp giảm giá mặt hàng phân bón, một mặt hàng thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp.