Thư của Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi cán bộ chủ chốt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
nongnghiep.vn| 01/6/2021
Đầu thư, tôi xin gửi lời thăm hỏi và tình cảm trân quý của mình đến với những cộng sự đang đồng hành vì sự phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”. Tôi mới nhận nhiệm vụ không lâu, chưa có nhiều cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện thân tình với tất cả các đồng chí. Nhưng qua những đồng chí đã có dịp làm việc, trao đổi, chia sẻ trực tiếp lẫn những bức thư điện tử, tin nhắn zalo, tôi có niềm tin chắc chắn rằng, chúng ta sẽ cộng tác tốt với nhau, cùng nhau vươn tới những mục tiêu mới và cùng đạt nhiều thành tựu mới.
Gắn bó với vị trí công việc, chuyên môn đào tạo khác nhau, giờ đây, chúng ta đều chung tay cho sứ mệnh đưa nền nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới. Chúng ta vừa kế thừa thành quả của ngày hôm qua, vừa làm tốt nhất công việc của ngày hôm nay, vừa chuẩn bị chu toàn cho ngày mai. Xã hội không ngừng vận động, người nông dân luôn kỳ vọng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Hướng đến việc nâng cao chất lượng sống của người nông dân, không chỉ là trách nhiệm, mà hơn hết, là bổn phận của mỗi người chúng ta hàng ngày vẫn trân trọng hạt cơm, con cá, lát thịt, bó rau của bà con làm ra.
Bối cảnh mới, cơ hội mới đi kèm thách thức mới. Bộ máy nào cũng vậy, ở thời điểm nào cũng vậy, bên cạnh những điểm mạnh, thì cũng có những điểm yếu. Như vậy, chúng ta không thể tự bằng lòng với chính mình, bằng lòng có nghĩa là đứng lại, là bị tụt lại phía sau. Khi không phát hiện được vấn đề thì đó chính là vấn đề lớn nhất. Mỗi người lãnh đạo, quản lý chúng ta hằng ngày vừa thực thi chức trách đảm nhiệm, vừa soi rọi lại vấn đề còn bất cập trong cơ quan, đơn vị của mình. Soi rọi để xác định đâu là điểm cần phát huy, đâu là điểm cần phải điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp. Nếu chịu khó tìm tòi và đặt những câu hỏi, thì chúng ta sẽ mỗi ngày mỗi hoàn thiện hơn.
Nền nông nghiệp nước nhà đã vượt qua bao khó khăn, thách thức và lập nhiều kỳ tích được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, trong một thế giới đầy bất định, luôn biến động, nhiều phức tạp và đôi khi mơ hồ, chúng ta đang và sẽ đối mặt với nhiều chướng ngại mới. Nền nông nghiệp chú trọng sản lượng vừa tạo ra quy mô hàng hoá lớn, vừa gặp nhiều rủi ro về khâu tiêu thụ do quy luật cung cầu của thị trường. Nền nông nghiệp lạm dụng quá mức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại vừa làm tăng chi phí sản xuất, vừa tạo ra những nông sản kém an toàn, đi ngược với xu thế tiêu dùng toàn cầu ngày càng khắt khe.
Nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là “lời nguyền” mà chúng ta phải có giải pháp khắc phục, để hướng đến một nền nông nghiệp giàu sức cạnh tranh hơn. Nhất quán quan điểm phát triển bền vững, nền nông nghiệp cần đặt trọng tâm vào kinh tế tập thể, với nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp – chỗ dựa vững chắc cho tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hợp tác xã nông nghiệp, cùng với cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp đảm trách vai trò định hướng, dẫn dắt thị trường là hai thành phần quan trọng trong hệ sinh thái nông nghiệp. Theo đó, tư duy “kinh tế nông nghiệp” phải là cách thức tiếp cận chủ đạo, thay cho tư duy “sản xuất nông nghiệp”.
Những yếu tố, tín hiệu tích cực trong nông nghiệp đã xuất hiện, giờ là lúc chúng ta cùng nhau làm cho sâu sắc hơn, lan toả hơn và đi vào chiều sâu hơn. Những giá trị mới của nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn phải được tích hợp vào chuỗi giá trị ngành hàng và trở thành động lực cho sự tăng trưởng. Nền nông nghiệp, từ dựa trên cung ứng nông sản thô, cần chuyển qua bảo quản, sơ chế, đa dạng hoá sản phẩm chế biến, tạo ra giá trị tăng thêm mới. Chuyển đổi số trong nông nghiệp, không phải là chỉ để cập nhật xu hướng, mà phải trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý chuyên ngành, của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và của hàng chục triệu hộ nông dân. Số hoá trong nông nghiệp phải là nền tảng thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh nông sản, kết nối thông suốt chuỗi cung cầu. Chuyển đổi số chỉ thành công khi chúng ta thẩm thấu được giá trị và có quyết tâm cao để chuyển thành hành động. Nói cách khác, nền nông nghiệp dựa vào thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, điện khí hoá, cần được tích hợp thêm các yếu tố tự động hoá, số hoá và thương mại hoá.
Bên cạnh lĩnh vực chuyên môn, tôi thường quan tâm đến môi trường làm việc với những giá trị vô hình. Người lãnh đạo thành công luôn biết cách tạo ra môi trường làm việc tốt nhất, thoải mái nhất cho đội ngũ nhân viên. Người lãnh đạo thành công biết khơi gợi, cỗ vũ cho sự sáng tạo, đổi mới trong bộ máy. Người lãnh đạo thành công luôn biết cách vượt qua cái tôi của mình, để chia sẻ, cảm thông, gắn kết bản thân với các cộng sự, để khuyến khích tinh thần hợp tác, đưa mọi người xích lại gần nhau. Người lãnh đạo thành công biết tạo ra động lực, chứ không phải gây thêm áp lực cho nhân viên. Người lãnh đạo thành công biết cách hài hoà mối quan hệ nội bộ và mối quan hệ bên ngoài tổ chức của mình. Yêu cầu “nâng cao văn hoá lãnh đạo, văn hoá chính trị” trong Nghị quyết của Đảng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Chúng ta đang sống, làm việc trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã làm thay đổi một cách triệt để phương thức hoạt động của xã hội, trong đó, có bộ máy hành chính vốn dĩ lệ thuộc nhiều vào giấy tờ. Mạng internet đã giúp thay đổi cách thức vận hành bộ máy hành chính và phương thức làm việc của mỗi cán bộ công chức. Nền hành chính hạn chế giấy tờ, không chỉ để tiết kiệm ngân sách, mà còn hướng đến những tiện ích như: không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, dễ lưu trữ hơn, dễ tích hợp hơn, dễ truy xuất hơn. Hội nghị trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, giảm chi phí xã hội. Thời gian cũng là tiền bạc mà. Phương pháp trình chiếu đồ thị, biểu đồ, hình ảnh, âm thanh sinh động, tạo điểm nhấn thu hút, thay thế thói quen “trên đọc dưới dò” vốn thiếu cảm xúc và ít lưu vào tâm trí người tham dự. Thư điện tử giúp chuyển tải thông tin nhanh chóng và được chia sẻ đến nhiều người hơn. Tất cả những tiện ích đó sẽ giúp chúng ta “tìm niềm vui trong công việc và biến công việc thành niềm vui”, mặc dù có thể gặp đôi chút bỡ ngỡ ban đầu.
Tôi cũng thường quan tâm đến công tác cải cách hành chính và cải tiến lề lối làm việc trong bộ máy. Nền hành chính của chúng ta, trước đây, đôi lúc, chỗ này, đơn vị kia bị cho là “hành là chính”, mối quan hệ trong cơ quan công quyền nặng tính “xin – cho”. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính 10 năm. Mục tiêu của Chương trình là hướng đến một nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền và của đội ngũ cán bộ công chức.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước là hướng đến với sự hài hoà trong mối tương tác: “Nhà nước – Thị trường – Xã hội”. Đối với cơ quan công quyền, doanh nghiệp không còn là đối tượng để quản lý, mà trở thành đối tác đồng hành trên con đường phát triển. Vì vậy, không chỉ là ban hành chính sách để thuận lợi trong quản lý, mà cần lắng nghe một cách chân thành, cầu thị, chú trọng đối thoại chính sách, để tạo hành lang pháp lý minh bạch, hỗ trợ điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tăng trưởng của doanh nghiệp đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Doanh nghiệp lớn mạnh, đất nước thịnh vượng.
Tôi vẫn luôn trăn trở: “Ngoài kia gió đang thay đổi, chúng ta mượn sức gió để đẩy mình đi xa hơn, bay cao hơn, hay chấp nhận đứng im để ngọn gió xô ngã?”. Mọi sự thay đổi không bao giờ là dễ dàng, do sức ì quán tính. Mong muốn thay đổi “vào chân ga” mà nỗi sợ thay đổi “giữ chặt chân thắng” thì làm sao có thể tiến về phía trước. Muốn vượt qua sức ì, chúng ta cần có lực đẩy cao hơn lực cản. Một nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận từng chia sẻ rằng: “Nếu không thay đổi là chết, tôi không thể ngồi đó mà chờ chết”. Chúng ta không chỉ tự mình thay đổi, mà cần cùng nhau thay đổi. Mỗi người thay đổi, mỗi bộ phận thay đổi, mỗi mắt xích thay đổi sẽ làm cho nền nông nghiệp thay đổi.
“Mẹ tôi là nông dân, và tôi sinh ra ở nông thôn”. Lời nhắn gửi tâm tình của một nhà văn thôi thúc chúng ta dốc sức thêm chút nữa trong mỗi suy nghĩ và hành động. Vì làng quê nông thôn ngày càng văn minh, bình yên, đáng sống. Vì hàng chục triệu nông dân, như lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Vì một nền nông nghiệp xanh, tích hợp đa giá trị – thước đo mức độ phát triển bền vững của quốc gia”.
LÊ MINH HOAN
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Nội dung: Lê Minh Hoan
Thiết kế: Trọng Toàn
Ảnh: Lê Hoàng Vũ