logo
  • EN
MUA NGAY
VN Tiếng Việt
Thay đổi ngôn ngữ
VN Tiếng Việt
EN Tiếng Anh

Sẽ ra sao cục diện thị trường phân đạm năm 2013?

(Nguồn: TBKTSG) Năm 2013 các nhà sản xuất phân đạm trong nước sẽ gặp thử thách thực sự khi năng lực sản xuất lần đầu tiên đã vượt nhu cầu của thị trường nội địa. Đồng thời, dự báo về xu hướng giá cả của thị trường phân đạm thế giới có lợi cho người nông dân hơn là cho nhà sản xuất. Năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp phân đạm sẽ được bộc lộ rõ nét trong năm nay.

Thuận lợi đang cạn dần

2012 là năm thành công với tất cả bốn nhà sản xuất phân đạm, bao gồm hai gương mặt mới là Đạm Ninh Bình và Đạm Cà Mau. Cả hai đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), với sản phẩm mang thương hiệu Đạm Phú Mỹ, và Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), với thương hiệu Đạm Cà Mau – hai nhà sản xuất phân đạm lớn nhất với tổng công suất 1,6 triệu tấn/năm, đều sản xuất và tiêu thụ vượt mức kế hoạch. Nhà máy Đạm Ninh Bình, dù mới có sản phẩm bán ra thị trường từ tháng 9-2012, nhưng đến cuối năm đã vận hành đến 85% công suất thiết kế (560.000 tấn/năm).

Năm 2012 nguồn cung phân đạm trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Đó là thuận lợi đầu tiên của các doanh nghiệp sản xuất. Theo Bộ Công Thương, sản lượng phân đạm sản xuất năm ngoái đạt 1,62 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn.

Diễn biến giá cả thị trường thế giới cũng ủng hộ các nhà sản xuất. Những tháng đầu năm, giá phân đạm tăng liên tục và đạt đỉnh trên 520 đô la Mỹ/tấn (giá FOB) vào cuối tháng 4-2012 và từ giữa năm 2012 ổn định quanh mức 390 – 400 đô la Mỹ cho đến nay.

Năm 2013, những thuận lợi đó sẽ không còn. Nếu hoạt động hết công suất, ngành phân đạm sẽ có sản lượng khoảng 2,36 – 2,4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vẫn chỉ là 2 triệu tấn. Cung vượt cầu cũng là xu hướng chung của thế giới. Theo nhà nghiên cứu và tư vấn thị trường phân bón Fertecon, nhu cầu tiêu thụ phân đạm toàn cầu đến năm 2015 sẽ tăng bình quân 3%/năm, trong khi đó nguồn cung sản phẩm này tăng tới 4,3%/năm. Fertecon dự báo giá phân đạm thế giới năm 2013 chỉ dao động quanh 365 -435 đô la Mỹ/tấn. Đó là áp lực đối với các doanh nghiệp phân đạm trong nước.

Ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh phân bón của PVFCCo đánh giá về tình hình thị trường phân đạm Việt Nam năm 2013 như sau: “Lợi thế chuyển từ người bán sang người mua, khiến cho mức độ cạnh tranh ngày một thêm quyết liệt”.

Thắng, thua là ở năm này

Nhu cầu phân đạm trong nước hầu như đã ổn định ở mức 2 triệu tấn, trong đó 60% ở miền Nam, miền Bắc 25% và miền Trung chỉ có 15%. Nhưng, nguồn cung thì vẫn chưa dừng lại. Trong hai năm tới, nếu dự án mở rộng của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hoàn thành và dự án Đạm Công Thanh vào sản xuất, năng lực sản xuất sản phẩm này sẽ vượt 3,2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, không thể không kể đến nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh có khả năng làm “điên đảo” thị trường.

Có thể nói, 2013 là năm quan trọng để các doanh nghiệp xác định rõ vị trí của mình trên thị trường phân đạm.

Trong bốn nhà sản xuất, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và PVFCCo là những doanh nghiệp có lợi thế của người đi trước. Nhà máy đạm Phú Mỹ thuộc PVFCCo đã khấu hao hết từ năm 2010. Doanh nghiệp này cũng có nguồn lực tài chính mạnh. Theo báo cáo tài chính, tính đến hết quí 3-2012, vốn bằng tiền và tương đương tiền của PVFCCo đến gần 5.700 tỉ đồng. Với ưu thế đó, PVFCCo có thể điều chỉnh giá cả một cách linh hoạt để giữ vững ưu thế cạnh tranh. Ngoài ra, PVFCCo và Đạm Hà Bắc, ngoài sản phẩm chính là phân đạm, còn kinh doanh nhiều loại hóa chất khác phục vụ cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp, nên có thể linh hoạt chuyển đổi sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.