PVFCCo tiếp tục vững vàng ưu thế dẫn đầu
Kinh tế Việt Nam
(VEN) – Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2011, sản xuất phân bón của cả nước ước đạt khoảng 4,71 triệu tấn, tăng 29,3% so với năm 2010, trong đó phân đạm là 995,2 nghìn tấn, riêng sản lượng của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) đã là 800 nghìn tấn, chiếm 80% thị phần phân bón của cả nước.
Với thị phần chiếm ưu thế như vậy, trong năm 2011, PVFCCo không chỉ góp phần điều tiết, bình ổn giá phân bón trên thị trường mà còn đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng với tổng doanh thu ước đạt 8.936 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2010; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 56% – những thành quả cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, lãnh đạo PVFCCo nhận định, bước sang năm 2012, bức tranh toàn cảnh thị trường sản xuất, tiêu thụ phân đạm trên cả nước sẽ có sự thay đổi lớn, đặc biệt là sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi vào tháng 11/2011 vừa qua, Nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức đưa vào vận hành với công suất 800.000 tấn/năm, tương đương với công suất Nhà máy Đạm Phú Mỹ của PVFCCo.
Cùng với đó, sẽ có thêm 2 nhà máy sản xuất phân đạm mới đi vào hoạt động trong quý II/2012 là đạm Ninh Bình (280.000 tấn/năm) và đạm Hà Bắc (500.000 tấn/năm), đưa tổng năng lực sản xuất trong nước lên tới 2,38 triệu tấn/năm. Như vậy, thị trường sẽ chính thức cung vượt cầu, buộc các doanh nghiệp phải tính tới chuyện xuất khẩu.
Về phía PVFCCo, ông Bùi Minh Tiến – Chủ tịch HĐQT PVFCCo thông tin thêm: Nhờ có hệ thống phân phối đã được xây dựng và phủ khắp cả nước nên PVFCCo được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giao nhiệm vụ phân phối sản phẩm đạm Cà Mau nhằm phát huy lợi thế của hệ thống phân phối hiện có. Bên cạnh đó, PVFCCo cũng đang lên kế hoạch mua cổ phần tại Nhà máy Đạm Cà Mau để tăng cường ảnh hưởng trên thị trường sản xuất phân bón. Theo ông Tiến, đây vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với PVFCCo trong năm 2012.
Với tiềm lực tài chính dồi dào, PVFCCo hoàn toàn đủ sức tham gia nắm giữ cổ phần chi phối tại Nhà máy Đạm Cà Mau. Đồng thời, doanh số bán hàng của PVFCCo trong năm 2012 dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì tốt nhờ hoạt động phân phối sản phẩm của đạm Cà Mau.
Trong phương án dự phòng, PVFCCo cũng đã dự trù sẵn kịch bản khó khăn của năm 2012 với giá bán khí nguyên liệu sẽ tăng thêm 40%, làm đội thêm chi phí giá vốn sản xuất phân bón, đi kèm tỷ suất lợi nhuận giảm xuống. Ông Tiến cho hay: Kịch bản thận trọng này cũng đã tính đến việc giá phân bón trên thị trường thế giới sẽ đi xuống do dư thừa nguồn cung và tình trạng bão hòa cầu trên thị trường nội địa.
Để vượt qua được thách thức trên, ngay từ cuối năm 2011, PVFCCo đã chủ động xây dựng nhiều nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững thị phần, đảm bảo hiệu quả và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra
Xét về ngắn hạn, dự báo tăng trưởng của PVFCCo sẽ không bị tác động đáng kể do công ty vẫn đang duy trì vị thế đầu ngành, sản phẩm có thương hiệu và sức tiêu thụ tốt. Theo công bố mới nhất, sản lượng kinh doanh năm 2012 của PVFCCo ước tính là 1,68 triệu tấn phân bón, trong đó 850 nghìn tấn công ty tự sản xuất, 560 tấn phân phối từ Nhà máy Đạm Cà Mau và phần còn lại là nguồn phân bón nhập khẩu.
Về lâu dài, PVFCCo đã đề xuất một số định hướng phát triển khác đáng chú ý là: Ký kết xuất khẩu với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Thụy Sĩ nhằm tìm đầu ra tại thị trường thế giới; Đa dạng hóa đầu tư sản phẩm hóa chất như các loại phân bón khác NPK, vi sinh… thông qua việc đầu tư dự án sản xuất mới.
“Quan trọng hơn cả đối với PVFCCo là chiến lược phát triển dài hạn để duy trì đà tăng trưởng, mặc dù công ty đang dẫn đầu ngành, chiếm thị phần sản xuất phân đạm lớn nhất trên cả nước”, ông Tiến cho hay./.
Năm 2011, sản lượng của PVFCCo chiếm 80% thị phần phân bón của cả nước, lãi hơn 500 tỷ đồng/năm
Kim Ngân