NPK Phú Mỹ- công nghệ hóa học
Dự án Nhà máy NPK Phú Mỹ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo)- Nhà máy NPK sử dụng công nghệ hóa học đầu tiên tại Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn xây lắp và bắt đầu quá trình chạy thử. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về công nghệ hiện đại của Nhà máy này.
Với mong muốn phục vụ cho bà con nông dân bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ chất lượng cao và đầy đủ dinh dưỡng, cùng với sản phẩm Đạm Phú Mỹ đã được bà con tin dùng, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) đã quyết định xây dựng Nhà máy NPK Phú Mỹ sử dụng công nghệ hoá học.
Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và sử dụng phân NPK nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việc sản xuất phân NPK đã và đang thực hiện qua việc trộn các loại phân đạm, lân, kali bằng cách thô sơ, thủ công (loại 3 hạt 3 màu) hoặc bằng các công nghệ nén ép, tạo hạt bằng tháp, vo viên đĩa quay hoặc thùng quay (loại 1 hạt 1 màu). Các công nghệ này tồn tại những nhược điểm về kích thước; độ đồng đều của hạt phân và phân bố dinh dưỡng trong từng hạt phân; độ hút ẩm cao, chất lượng, hàm lượng chưa ổn định, dễ chảy nước, đóng bánh, bay hơi, thất thoát dinh dưỡng…gây hạn chế trong việc vận chuyển, bảo quản và nhất là khi sử dụng chăm bón cho cây trồng thì có nguy cơ làm cho cây trồng phát triển thiếu cân đối do dinh dưỡng chưa đầy đủ và đồng đều.