Nhà nhập khẩu urê chuyển hướng kinh doanh
(TBKTSG Online) – Theo Bộ Công Thương, từ tháng 3-2012, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn phân urê và còn dư thừa để xuất khẩu. Đây là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân urê cung cấp cho thị trường trong nước đã đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục kinh doanh.
Ông Lý Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) cho biết, trước năm 2010 trung bình mỗi năm TSC nhập khẩu mấy chục ngàn tấn urê từ các nước trong khu vực để cung cấp cho người dân. Nhưng ông nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, nay thì mặt hàng phân urê nhập khẩu không còn nằm trong danh mục kinh doanh của công ty nữa.
Điều này cũng xảy ra tương tự với Công ty TNHH Hoàng Lê tại TPHCM. Đây là một trong những công ty nhập khẩu và phân phối phân bón lớn trên thị trường, nhưng nay cũng không còn nhập khẩu phân urê và thay vào là kinh doanh các mặt hàng phân bón khác.
Ông Đào Đức Vũ, Phó tổng giám đốc kinh doanh Công ty Hoàng Lê nói rằng do urê chỉ là một trong số nhiều mặt hàng phân bón mà Hoàng Lê nhập về nên việc không kinh doanh mặt hàng phân urê cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của công ty.
Theo một số công ty nhập khẩu urê, khi không nhập khẩu từ thị trường nước ngoài thì họ cũng không mua urê trong nước để bán lại. Lý do, theo ông Tùng là những công ty sản xuất được phân urê như Đạm Phú Mỹ, Hà Bắc… trước khi đưa nhà máy vào hoạt động đều đã xây dựng một hệ thống đại lý cấp 1, cấp 2 riêng để chủ động thay vì hợp tác với những công ty như TSC.
Do không còn nguồn cung urê nhập khẩu nên nhiều đại lý phân bón cũng chuyển sang kinh doanh các sản phẩm phân urê sản xuất trong nước và các mặt hàng phân bón khác. Cụ thể, chủ đại lý phân bón Mai Hoàng tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, trong hơn một năm trở lại đây chỉ bán urê được sản xuất trong nước chứ không còn còn bán phân bón nhập khẩu nữa.
Theo lý giải của các đại lý, do giá phân urê trong nước thấp hơn so với giá phân urê nhập nên thu hút được nhiều người mua. Một lý do khác để các đại lý không bán phân urê nhập khẩu là vì một phần lớn urê nhập vào Việt Nam theo tiểu ngạch (bao bì ghi bằng tiếng nước ngoài, không có tiếng Việt) nên dễ bị lực lượng quản lý thị trường phạt.
Giá phân urê tại ĐBSCL ngày 23-2 dao động ở mức 490.000 đồng cho bao 50kg. Mức giá này giảm khoảng 20.000 đồng so với trước Tết Nhâm Thìn và giảm khoảng 120.000-140.000 đồng so với thời điểm tháng 9-2011.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, vào thời điểm cuối tháng 9-2011 thì giá phân urê trên thị trường thế giới dao động ở mức trên dưới 510 đô la Mỹ/tấn. Sau đó, giá urê liên tục giảm và đến nay, giá sản phẩm này đang ở mức 380-390 đô la Mỹ/tấn.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân urê giảm là do châu Âu đang trải qua một đợt lạnh kéo dài nên ảnh hưởng đến ngành trồng trọt tại những quốc gia này.
Ngoài ra, trong thời gian tới, do Việt Nam chủ động được nguồn cung nên giá urê sản xuất trong nước có khả năng sẽ tiếp tục giảm nhưng sẽ không giảm nhiều vì Việt Nam chuẩn bị vào vụ hè thu, nhu cầu sử dụng phân urê rất lớn.
Trước thông tin nhiều doanh nghiệp nhập khẩu urê chuyển hướng kinh doanh, ông Thúy cho rằng, đó là điều tất yếu của tình hình hiện nay, nhưng trong số gần 50.000 doanh nghiệp phải đóng cửa hoạt động trong năm 2011 không có doanh nghiệp nào liên quan đến phân bón.
“Có chăng những doanh nghiệp này giảm doanh thu chứ không đến đi đến phá sản vì không còn kinh doanh phân urê nhập khẩu”, ông Thúy nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.