Kỹ sư trẻ và nguyên tắc học tập 7 bước
petrotimes.vn|Ngày 04/9/2020
Luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu, Nguyễn Văn Dũng – kỹ sư công nghệ hữu cơ hóa dầu Xưởng Amonia, Nhà máy Đạm Phú Mỹ – đã rèn mình theo nguyên tắc học tập với 7 bước: Biết – hiểu – vận dụng – phân tích – tổng hợp – đánh giá – sáng tạo, để luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Sinh ra và lớn lên tại một huyện ngoại thành Hà Nội, 3 năm học THPT chuyên Hóa, vì thế gia đình không ngạc nhiên khi Nguyễn Văn Dũng theo ngành Công nghệ hữu cơ hóa dầu tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Dũng hiểu rằng, ngành Dầu khí là môi trường làm việc lý tưởng, có hệ thống máy móc hiện đại và tiên tiến, nơi sẽ cho anh được thỏa sức “sống” với tình yêu hóa học. Năm 2011, Nhà máy Đạm Phú Mỹ tuyển kỹ sư, Dũng mạnh dạn vào miền Nam ứng tuyển và chính thức trở thành một thành viên của nhà máy cho đến hôm nay.
Kỹ sư Nguyễn Văn Dũng – Trưởng ca Xưởng Amonia, Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Nhà máy Đạm Phú Mỹ gồm có 4 phân xưởng chính là Xưởng Amonia, Xưởng Urê, Xưởng Phụ trợ, Xưởng Sản phẩm. 5 năm đầu về Đạm Phú Mỹ, làm việc tại Xưởng Amonia, Dũng luôn nhắc nhở bản thân làm nhiều hơn công việc được giao, gặp khó khăn thì cùng đội nhóm tìm cách tháo gỡ. Dũng chia sẻ: “Tôi may mắn được làm việc trong một tập thể đoàn kết, lãnh đạo xưởng luôn tạo điều kiện, hỗ trợ về mọi mặt từ đào tạo, động viên khích lệ, đến chăm lo đời sống để mọi người phát huy hết khả năng trong công việc. Đa số nhân sự còn rất trẻ, có trình độ chuyên môn tốt, tràn đầy nhiệt huyết, vì thế khi được chăm lo và quan tâm sát sao, chúng tôi an tâm lao động, nguyện cống hiến hết mình”.
Đó không chỉ là lời nói suông mà đã được Dũng thực hiện qua rất nhiều sáng kiến, cải tiến mang lại giá trị, lợi ích thiết thực cho nhà máy như: “Phương án tăng hiệu suất thu hồi H2 của cụm HR”, giá trị làm lợi trong 7 tháng đầu năm 2015 khoảng 3,6 tỉ đồng; “Phương án giảm nhiệt độ đuôi khói lò từ 156,950C xuống 1470C”, giá trị làm lợi ước tính 1,49 tỉ đồng/năm; “Giảm CO2 slip nhỏ hơn 10 ppm cụm tách CO2 trong khi bảo đảm kiểm soát tốt H2 sang Xưởng Urê”, giá trị làm lợi 2,35 tỉ đồng/năm…
Khi được hỏi, động lực nào giúp Dũng có nhiều sáng kiến đến thế, vì các sáng kiến, giải pháp của anh phải ghi đến 2 trang giấy A4 cũng không đủ chỗ? Kỹ sư Dũng chia sẻ rất chân tình: “Cái khó ló cái khôn”. Bởi ngoài những thuận lợi thì doanh nghiệp nào, nhà máy nào cũng có khó khăn riêng. Với đặc thù là nhà máy sản xuất phân đạm có hệ thống máy móc phức tạp, đồng thời nhà máy đã vận hành thương mại gần 20 năm, nên thiết bị, máy móc có nguy cơ hỏng hóc cao, yêu cầu người vận hành phải giám sát, theo dõi tình trạng máy móc một cách tỉ mỉ và cẩn trọng, bắt buộc kỹ sư vận hành luôn phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, tìm tòi sáng tạo để đáp ứng yêu cầu công việc, phát huy hết khả năng sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Dũng nhớ lại sáng kiến mới nhất của anh và đội nhóm cùng thực hiện, cũng là sáng kiến mà anh tâm đắc nhất từ trước đến nay, đó là “Thực hiện sấy Field Joints của hệ thống transfer line, HTER, Secondary Reformer trước khi khởi động lại Xưởng Amonia”. Giải pháp này được Dũng và đội nhóm dày công nghiên cứu, khắc phục được những nhược điểm có thể ảnh hưởng đến chất lượng và chi phí như phương án ban đầu mà nhà thầu đưa ra. Khi áp dụng vào dây chuyền sản xuất, giải pháp mang lại hiệu quả cao, ước tính giá trị làm lợi hơn 2 tỉ đồng.
Kỹ sư Nguyễn Văn Dũng được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI – năm 2020
Với tinh thần trách nhiệm cao, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sau 5 năm làm kỹ sư vận hành, Nguyễn Văn Dũng nhận nhiệm vụ mới là Trưởng ca Xưởng Amonia. Công việc hiện tại của anh là đào tạo, giảng dạy nội bộ cho các thành viên trong kíp; điều hành sản xuất trong kíp, bảo đảm an toàn, ổn định; phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý các sự cố, tình huống khẩn cấp; tham gia cùng lãnh đạo xưởng thực hiện công tác điều tra sự cố.
Với những nỗ lực công tác và thành quả mang lại cho nhà máy, nhiều năm liền Dũng nhận được nhiều khen thưởng: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Giấy khen của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Bằng khen của Bộ Công Thương, Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Giải Ba trong Hội thi Tay nghề Dầu khí lần IV-2015 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức. Đầu tháng 7-2020, Dũng là 1 trong 13 thanh niên ưu tú của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI.
Để đạt được những thành tích xuất sắc, Dũng tâm sự: “Từ các yêu cầu thực tế, nhằm bảo đảm làm việc độc lập cũng như phối hợp làm việc nhóm để hoàn thành các chỉ tiêu về vận hành sản xuất, mỗi cá nhân đều cần tự trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Bản thân tôi luôn đặt trách nhiệm lên trên hết. Từ đó, tôi đã tìm ra nguyên tắc tiếp cận việc học tập theo 7 bước: Biết – hiểu – vận dụng – phân tích – tổng hợp – đánh giá – sáng tạo, giúp tôi ngày càng làm tốt hơn công việc được giao và có nhiều giải pháp mới trong công tác vận hành sản xuất của nhà máy”.
Với phương châm “Sống với từng khoảnh khắc, sống là phục vụ, sống là cho đi”, kỹ sư Nguyễn Văn Dũng nhắn gửi tới các bạn trẻ của ngành Dầu khí: “Hãy trân trọng từng phút giây lao động bên đồng nghiệp, chỉ khi mọi người cùng đoàn kết tiến lên thì doanh nghiệp mới phát triển vững mạnh!”.
Thu Phượng