Khi Đạm Phú Mỹ xuất ngoại
(Báo Năng lượng mới, số đặc biệt mừng Xuân Nhâm Thìn 2012)
Năm 2011, trong lúc nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón trong nước phải vất vả chống đỡ với nền kinh tế khó khăn bằng cách thu hẹp hoạt động thì vẫn có những doanh nghiệp tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc và từng bước mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế. Bằng những bước đi thận trọng và chắc chắn, PVFCCo là một trong những doanh nghiệp trong nước đã bước đầu đạt được những thành quả ban đầu rất đáng ghi nhận tại các thị trường trọng điểm trong khu vực, cụ thể là thị trường Campuchia và Myanmar.
Cùng nông dân Campuchia trồng lúa
Chiến lược từng bước tìm hiểu thị trường để chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu sang các nước trong khu vực đã được PVFCCo chuẩn bị và tích cực triển khai từ năm 2008. Thị trường Campuchia sớm được xác định là thị trường mục tiêu đầu tiên nhờ những tương đồng về địa lý, thổ nhưỡng, tập quán cạnh tác và những thuận lợi về chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của nước bạn. PVFCCo đã mở văn phòng đại diện tại Phnôm Pênh vào ngày 7-5-2010 đồng thời nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động tiếp thị, giới thiệu sản phẩm cùng nhiều chương trình hướng dẫn kỹ thuật, triển khai các mô hình trình diễn sử dụng đạm Phú Mỹ tại nhiều vùng trồng lúa trọng điểm của Campuchia. Ngày 29-7-2011, PVFCCo đã chính thức nâng cấp văn phòng đại diện lên thành chi nhánh với đầy đủ chức năng kinh doanh và phân phối sản phẩm phân bón các loại tại thị trường này. Cùng với việc nhận giấy phép hoạt động, chi nhánh đã nhận được cấp phép nhập khẩu 37.000 tấn phân bón, bao gồm 32.000 tấn urea và 5.000 tấn NPK để phân phối tại thị trường Campuchia trong vòng 1 năm. Ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh và hệ thống phân phối cho biết trước mắt chi nhánh sẽ tập trung vào các vùng tiêu thụ chính là Takeo, Kandal, Srey Rieng, Kampong Cham, Kampong Speu, Kampong Thom.
“Quy mô thị trường phân bón Campuchia tuy còn khiêm tốn nhưng có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới nhờ chiến lược ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp của Chính phủ Campuchia. Chiến lược bán hàng trong thời gian đầu của Tổng Công ty tại thị trường này là tìm kiếm và ký hợp đồng hợp tác với những công ty kinh doanh phân bón lớn tại Campuchia nhằm tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của họ để thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm và bán hàng. Thông qua việc tiếp cận, hợp tác với các đối tác lớn, chi nhánh sẽ đánh giá và lựa chọn những khách hàng có đủ năng lực và uy tín nhằm xây dựng hệ thống phân phối riêng của Tổng Công ty tại thị trường này trong tương lai”, ông Vinh cho biết.
PVFCCo không đơn thuần bán phân bón, mà cung cấp gói giải pháp tổng thể cho nông dân, từ giống, kỹ thuật canh tác, bón phân, phun thuốc trừ sâu, cho tới tạo môi trường sống cho các loài thiên địch của sâu rầy, vừa giảm chi phí vừa bảo vệ môi trường. Mô hình ruộng mẫu này đang được nhân rộng tại các địa phương khác ở Campuchia.
Vụ Đông Xuân 2010-2011, tại huyện Kirivong tỉnh Tà Keo, các kỹ sư PVFCCo đã hướng dẫn nông dân gieo hạt bằng máy sạ hàng, giúp lúa mọc đều, đồng thời tiết kiệm tới 30% lượng lúa giống. Nông dân cũng được hướng dẫn sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu đúng kỹ thuật trên một loạt cánh đồng mẫu. Các cánh đồng này được trồng hoa dọc bờ bao. Các bụi hoa đó có tác dụng thu hút các loài côn trùng thiên địch với sâu rầy hại lúa, nhờ đó nông dân không phải phun thuốc trừ sâu nếu mật độ sâu rầy chưa vượt quá một mức nhất định. Khi thu hoạch, các cánh đồng này cho sản lượng trên 8 tấn/ha, gấp hai, ba lần so với các thửa ruộng xung quanh canh tác theo lối truyền thống. Kết quả này vượt xa trí tưởng tượng của người nông dân Khmer.
Tổng nhu cầu phân bón của Campuchia hiện vào khoảng 700.000 tấn/năm, trong đó phân urea khoảng 250.000 tấn và NPK vào khoảng 300.000 tấn, còn lại là DAP và các loại phân bón khác.