DPM – Sẵn sàng trước thách thức 2015
(Nguồn: ĐTCK) Giá phân đạm trên thị trường thế giới được dự báo sẽ kéo dài đà suy giảm, tạo áp lực không nhỏ lên ngành sản xuất phân đạm trong nước, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung vốn đang dư thừa. Báo ĐTCK đã trao đổi với ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – mã CK: DPM) về sự chuẩn bị của Tổng công ty cho một năm kinh doanh nhiều thách thức.
Ông có thể chia sẻ cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2015 của PVFCCo?
Việc xây dựng kế hoạch kinh doanh phải dựa trên điều kiện thực tế. Nếu như giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
Năm 2015, mặt bằng giá phân đạm được dự báo sẽ giảm theo và thiết lập mặt bằng giá mới là thách thức cho thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong khi đó, nguồn cung phân đạm trong nước tiếp tục tăng, dư thừa khoảng 400 nghìn tấn/năm khi Nhà máy Đạm Hà Bắc hoàn thành dự án nâng công suất lên 500 nghìn tấn/năm vào đầu năm 2015. Bên cạnh đó, luật thuế VAT mới cũng tác động không nhỏ tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, trong đó có PVFCCo.
Về mặt chủ quan, Tổng Công ty đang trong giai đoạn đầu tư một số dự án mới. Vì thế chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng để điều chỉnh các dự báo và trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh phù hợp nhất với tình hình thực tế năm 2015. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chủ động thực hiện các giải pháp để có thể đạt kết quả tốt nhất. Như năm 2014, PVFCCo đã vượt kế hoạch lợi nhuận 22%.
Dư địa tăng trưởng trong ngành sản xuất phân bón không còn, vậy để có thể tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận Tổng công ty sẽ chú trọng đến mảng kinh doanh nào?
Để giải quyết bài toán tăng trưởng, với quyết tâm đổi mới – sáng tạo, trong những năm qua Ban lãnh đạo PVFCCo đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, triển khai đầu tư các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực sản xuất phân bón, hóa chất, hóa dầu theo chiến lược phát triển đề ra.
Chúng tôi sẽ duy trì sản lượng sản xuất Đạm Phú Mỹ trung bình 800.000 tấn/năm nhằm giữ vững thị phần ure trong nước và duy trì tối đa hiệu quả kinh doanh đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Mặt khác, chúng tôi sẽ nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh doanh các thương hiệu sản phẩm phân bón Phú Mỹ khác, các sản phẩm hóa chất và quyết liệt hơn nữa trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới. Tổng Công ty đã khánh thành Xưởng sản xuất hóa phẩm dầu khí tại Vũng Tàu vào đầu năm 2014 – xưởng chuyên dụng đầu tiên được một đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư, nhằm cung cấp tại chỗ hóa chất chuyên dụng với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế cho các công ty, nhà thầu dầu khí hoạt động tại Việt Nam. Xưởng đã hoạt động ổn định từ tháng 5/2014 và năm 2014 đã cung cấp 15.000 thùng hóa phẩm dầu khí, đem lại hơn 200 tỷ đồng doanh thu.
Về phân bón, việc đa dạng các hình thức đóng bao như bao jumbo cỡ lớn 500kg/bao, 1.000kg/bao hay xuất khẩu đến các thị trường khó tính nhưng được giá cao như New Zealand, Jordan, Nhật Bản…sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt mảng kinh doanh hóa chất là rất tiềm năng nên chúng tôi đặt mục tiêu tiêu thụ 100% các sản phẩm hóa chất sản xuất được với doanh thu tiến tới bằng và vượt mảng phân bón. PVFCCo sẽ sớm hoàn thành các dự án sản xuất hóa chất có quy mô lớn, công nghệ hiện đại như NH3, UFC-85/Formalin, H2SO4, cao su tổng hợp SBR, nhựa SM/PS…
Xin ông cho biết cụ thể các dự án mới này đang được triển khai đến đâu và có thể đẩy nhanh tiến độ hay không?
Dự án UFC85/Formaldehyde đã khởi công từ tháng 3/2014 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Sản phẩm UFC85 hoặc Formalin có thể đảm bảo tiêu thụ hết, cung cấp trực tiếp cho nhà máy sản xuất phân đạm trong nước. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị khởi công tổ hợp dự án nâng công suất xưởng NH3 và sản xuất NPK trong năm nay. Hiện tại, sản phẩm NH3 đang phải nhập khẩu khoảng 100.000 tấn/năm, do đó, khi đi vào hoạt động, lượng NH3 dự kiến có thể nhanh chóng tiêu thụ hết. Ngoài ra, hàng năm cả nước vẫn phải nhập khoảng 300.000 – 500.000 tấn NPK chất lượng cao, do đó sản phẩm NPK sản xuất bằng công nghệ hoá học – công nghệ tiên tiến nhất thế giới – sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Bên cạnh các dự án ngắn hạn kể trên, PVFCCo còn ưu tiên cho nhiều dự án trung và dài hạn, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 7 đến 10 năm. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến là: dự án tổ hợp hoá dầu, công suất 1,2 triệu tấn/năm Methanol quy đổi, sử dụng nguyên liệu đầu vào là khí thiên nhiên mới được tìm thấy tại mỏ Cá voi xanh; dự án Polystyren với công suất 300 ngàn tấn nhựa PS một năm từ nguyên liệu là Monostyren; và Tổ hợp dự án Ammonia (NH3) + Ammonium Nitrate (NH4NO3).
Do vậy chúng tôi tin tưởng rằng, trong tương lai gần PVFCCo sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành một doanh nghiệp đứng đầu trong nước và khu vực trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón và hóa chất.
Thu Hương thực hiện.