Đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa luật đưa phân bón về mặt hàng chịu thuế từ 0-5%
(Nguồn: TTXVN,11/7/2019)
Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVIII, các đạ biểu cho rằng thuế giá trị gia tăng đầu vào, chi phí sản xuất, vận tải, đầu vào tăng khiến giá thành sản phẩm tăng từ 3,5 – 4% làm giảm sự cạnh tranh… vì vậy, tỉnh cần đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội chỉnh sửa luật để đưa phân bón về mặt hàng chịu thuế từ 0-5%.
Sau hai ngày làm việc khẩn trương với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao, ngày 11/7, kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVIII đã bế mạc.
Tại kỳ họp, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế sáu tháng cuối năm 2019, đồng thời, tập trung thảo luận, giải trình và chất vấn những vấn đề cử tri quan tâm.
Các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn tồn tại trong những tháng cuối năm như: dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp cần có định hướng tổ chức lại ngành chăn nuôi; các mô hình nông nghiệp theo chuỗi liên kết chưa nhiều, khiến giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp; tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thời gian tới…
Bên cạnh đó, nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn hoành hành, cùng với đó nguồn cung phân bón trên thị trường đang dư thừa lớn, tổng năng lực sản xuất và nhập khẩu phân bón trên 30 triệu tấn, tuy nhiên nhu cầu sử dụng chỉ bằng 1/3 so với nguồn cung. Với 13.000 loại phân bón được sản xuất, thị trường phân bón bị nhiễu loạn, gây thiệt hại đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón uy tín. Cùng với đó, thuế giá trị gia tăng đầu vào, chi phí sản xuất, vận tải, đầu vào tăng khiến giá thành sản phẩm tăng từ 3,5 – 4% làm giảm sự cạnh tranh… tỉnh cần đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội chỉnh sửa luật để đưa phân bón về mặt hàng chịu thuế từ 0-5%.
Nhiều vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm cũng được các đại biểu chất vấn như: tình trạng ô nhiễm môi trường tại các Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, Cổ phần Giấy Việt Trì, Nhôm Sông Hồng, Cổ phần CMC… trên địa bàn thành phố Việt Trì; việc người dân tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép; tiến độ triển khai nhiều dự án đầu tư tư nhân còn chậm, phải xin gia hạn tiến độ; một số dự án đã được Nhà nước giao đất nhưng không có khả năng đầu tư phải chuyển nhượng tài sản hoặc trả lại đất…
Các đại biểu cũng băn khoăn khi trên địa bàn tỉnh có nhiều bến thủy nội địa do cá nhân quản lý, khai thác đã hết hạn giấy phép hoạt động nhưng vẫn hoạt động gây bức xúc; một số tuyến đường thi công dở dang từ nhiều năm gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông; tỉnh cũng cần đưa chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.
Những tồn tại trên, các đại biểu đề nghị tỉnh nhanh chóng làm rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đào An (TTXVN)
Phát biểu tại kỳ họp, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định, trong sáu tháng đầu năm 2019 tỉnh Phú Thọ đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các ngành, lĩnh vực, tìm ra dư địa để thúc đẩy phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm ước đạt 6,25%; kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư; môi trường kinh doanh được cải thiện; các lĩnh vực xã hội ngày càng phát triển; tình hình chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để xảy ra các điểm nóng, các vụ việc phức tạp.
Ông Bùi Văn Quang cũng chỉ ra những khó khăn thách thức: Đó là sản xuất công nghiệp chưa có thêm nhiều dự án mới quy mô lớn làm động lực cho tăng trưởng. Cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm của tỉnh mặc dù có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú, chưa tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Tiến độ triển khai nhiều dự án đầu tư tư nhân còn chậm so với đăng ký, phải đề nghị xin gia hạn tiến độ, một số dự án nhà nước đã giao đất không có khả năng đầu tư phải chuyển nhượng tài sản hoặc trả lại đất… gây lãng phí đất đai. Tiến độ giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA đến nay đạt thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh liên doanh liên kết trong sản xuất nông sản; nghiên cứu triển khai mô hình liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ ở một số địa phương có sản phẩm đặc thù; đồng thời, nâng cao hiệu quả dồn đổi, tích tụ ruộng đất ở những nơi có điều kiện kết hợp với quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phù hợp; huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh..
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành trong những tháng cuối năm 2019 triển khai tổng thể các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để đón làn sóng đầu tư quốc tế; tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, tăng cường đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; nghiên cứu tạo quỹ đất để phát triển công nghiệp…