(NDH) Báo cáo SSI Retail Research cho biết phân bón hiện đang nằm trong danh mục không chịu VAT nên không được khấu trừ thuế đầu vào. Nhưng kiến nghị mới đây của Bộ Công Thương dự kiến đưa mặt hàng hàng này vào diện VAT 0%, ảnh hưởng tốt đến lợi nhuận DN phân bón.
Phiên giao dịch ngày 12/1, chỉ số trên hai sàn chứng khoán Việt Nam đồng loạt giảm nhẹ. VN-Index giảm 0,2 điểm (-0,03%) về mức gần 687 điểm, trong khi HNX giảm 0,24% tương đương 0,2 điểm về mức 83,29 điểm.
Điểm sáng trong phiên giao dịch ngày hôm nay là nhóm cổ phiếu ngành phân bón với mức tăng điểm ấn tượng. Cổ phiếu DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tăng 6,3%, DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau tăng 2,3%, LAS của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tăng 9,4% và BFC của CTCP Phân bón Bình Điền cũng tăng 6,3%.
Cũng phải nói thêm rằng, trước đó, cổ phiếu nhóm ngành phân bón (trừ cổ phiếu BFC) đã có một thời gian dài giảm giá và tích lũy. Biến động đáng chú ý của dòng phân bón ngày hôm nay được cho rằng đến từ cú hích kỳ vọng chính sách.
Theo bộ phận SSI Retail Research, trước đây, từ ngày 01/1/2015 đến nay, theo Luật thuế 71 sửa đổi, Bộ Tài chính đã phân loại mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế VAT 5% sang danh mục không chịu thuế GTGT. Quy định này khiến cho các doanh nghiệp phân bón không còn được khấu trừ thuế đầu vào, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, định hướng năm 2017 tổ chức vào ngày 9/1/2017, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng một loạt cơ chế, chính sách ưu đãi cho các ngành điện, dầu khí, than, phân bón, dệt may. Trong đó có đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 0%, thay vì miễn thuế như hiện tại.
Theo SSI Retail Research, kỳ vọng sẽ có chính sách hỗ trợ trong tương lai là nguyên nhân khiến các cổ phiếu này có phiên tăng tích cực. Tuy nhiên, bộ phận phân tích của SSI cũng nhấn mạnh để sửa luật thì sẽ cần lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan, mà cụ thể đối với trường hợp thuế suất đối với phân bón sẽ lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tư Pháp. Về cách thức sửa luật thì Quốc hội có thể ban hành luật sửa đổi bổ sung hoặc ban hành luật mới thay thế và sẽ mất khoảng thời gian rất dài.